64 trụ điện cao thế 110kV từ thủy điện Sơn Trà được đấu nối vào trạm biến áp 220kV Sơn Hà để hòa điện lưới quốc gia chưa được chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất… nhưng lại có giấy phép xây dựng.
Trụ điện trên đỉnh Van Cà Vãi xây dựng khi chưa hoàn tất thủ tục đất đai, gây khó cho dự án chống sạt lở - Ảnh: TRẦN MAI
Nhiều sở ngành liên quan khẳng định việc thi công xây dựng mà chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý về đất đai, như: Thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất thì công trình đó xây dựng trái phép. Vậy giấy phép xây dựng được cấp thế nào?
Giấy phép xây dựng 64 trụ điện cao thế được cấp thế nào?
Theo tài liệu phóng viên thu thập được, giấy phép xây dựng công trình đường dây 110kV thủy điện Sơn Trà, đoạn qua thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi được Sở Xây dựng Quảng Ngãi cấp phép ngày 3-1-2017.
Đơn vị thiết kế là Công ty TNHH MTV tư vấn xây dựng Điện 3 Đà Nẵng; đơn vị thẩm tra là Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng thủy điện; đơn vị thẩm định là Sở Công Thương.
Giấy phép xây dựng này được cấp cho 10 trụ điện (trụ 54-64) ở thị trấn Di Lăng, 50 trụ còn lại nằm ngoài đô thị nên được miễn giấy phép xây dựng. Nhưng tất cả phải được chuyển mục đích, giao đất trước khi thi công.
Ngoài thiết kế, thẩm tra, thẩm định, Sở Xây dựng còn căn cứ vào các công văn do UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành, như: thỏa thuận hướng tuyến đường dây; thi công tuyến đường dây. Cùng với thỏa thuận điều chỉnh hướng giữa UBND huyện Sơn Hà với chủ đầu tư dự án thủy điện Sơn Trà 1.
Trụ điện nằm trên đỉnh núi Van Cà Vãi xây dựng trái phép
Tại công văn 5537 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc thi công xây dựng tuyến đường dây 110kV đấu nối Nhà máy thủy điện Sơn Trà 1 vào hệ thống điện quốc gia, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã "ưu ái" cho chủ đầu tư triển khai song song thi công trụ móng và bồi thường giải phóng mặt bằng để "đảm bảo tiến độ dự án".
Từ những căn cứ này, Sở Xây dựng đã cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, trong giấy phép xây dựng có yêu cầu "Phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai, về đầu tư xây dựng và giấy phép xây dựng này".
Điều khó hiểu là giấy phép xây dựng "ra đời" khi đường dây và vị trí xây dựng các trụ điện không có trong quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất của huyện Sơn Hà. Diện tích đất xây dựng các trụ điện cũng chưa thu hồi đất, chuyển mục đích sang đất năng lượng, giao đất.
Thậm chí đường dây điện 110kV là hạng mục của dự án nhưng đến nay vẫn không có trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thủy điện Sơn Trà 1.
Giấy phép xây dựng được cấp để xây dựng trụ điện 10 trụ điện trong thị trấn Di Lăng, dù thủ tục đất đai chưa hoàn tất - Ảnh: TRẦN MAI
Hướng tháo gỡ ra sao?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết đã họp rất nhiều lần, nhưng chưa có hướng tháo gỡ. Dự kiến tháng 11 tới UBND tỉnh sẽ họp giải quyết.
Lãnh đạo Sở Công Thương hiện tại bảo không biết vì sao chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục đất đai và để kéo dài đến giờ.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nói 64 trụ điện xây dựng trái phép, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khi không bổ sung hạn mục đường dây vào quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Vị này cho biết có thông tin chủ đầu tư nói rằng UBND tỉnh cho phép thỏa thuận với các hộ dân có đất để thực hiện thi công trụ điện. Việc này là không đúng, bởi xây dựng bất cứ công trình gì trước hết đất phải đúng mục đích và được giao đất.
Khi phóng viên đặt vấn đề về "trách nhiệm quản lý đất đai của sở". Vị này nói Sở Tài nguyên và Môi trường không thể biết trụ điện xây trái phép. UBND huyện quản lý đất đai phải kiểm tra, đối chứng phát hiện sai phạm.
Và trước khi đấu nối, hòa lưới, Sở Công Thương phải thẩm định, kiểm tra tính pháp lý của dự án mới cho hòa lưới. Khi phát hiện chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý phải báo ngay với UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia hướng dẫn ngay từ đầu sẽ không kéo dài đến giờ.
Thủy điện Sơn Trà tổng công suất 69MW là thủy điện lớn thứ hai ở Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI
Việc 64 trụ điện không có trong quyết định chủ trương đầu tư dự án đã gây khó khăn trong giải quyết - Ảnh: TRẦN MAI
Nói về hướng tháo gỡ, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nói thực tế diện tích thi công trụ điện rất nhỏ (một trụ vào chục m2) nhưng chắc chắn phải thu hồi, chuyển mục đích, giao đất mới đúng pháp luật.
"Muốn giao đất phải có kế hoạch sử dụng đất. Muốn có kế hoạch sử dụng đất phải nằm trong quyết định chủ trương đầu tư dự án được HĐND tỉnh thông qua. Từ đây mới có cơ sở thu hồi, chuyển mục đích và giao đất", lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nói.
Nhưng hiện nay sự đồng thuận không cao, Sở Kế hoạch và Đầu tư không đồng ý điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án vì xây dựng hoàn thành và phát điện hòa lưới từ lâu. Nhưng nếu không chung tay sẽ không tháo gỡ được.
Không di dời trụ điện trái phép trên đỉnh Van Cà Vãi, dẫn đến không thể hạ độ cao chống sạt lở ở đây - Ảnh: TRẦN MAI
"Nếu không muốn tháo gỡ, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng nói "ông thi công rồi, tôi giao đất làm gì". Ông xây dựng trái phép thì xử phạt, yêu cầu tháo dỡ, phục hồi nguyên trạng… rồi tính tiếp", đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nói.
Cũng theo vị này, chủ đầu tư xây dựng sai là chắc chắn rồi. Muốn tháo gỡ, không còn cách nào khác ngoài bổ sung hạng mục này vào quyết định chủ trương đầu tư.
"Còn việc chưa giao đất mà xây dựng, UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính. Thực tế dự án năng lượng được miễn tiền thuê đất nên không thất thoát gì. Quyết tâm, phối hợp sẽ có hướng ra", đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nói.
Phát sinh lớn nhất là để sự việc kéo dài nhiều năm, hiện phải áp dụng luật 2023 để giao đất, thay vì luật 2013.
Đăng thảo luận