YênBái - Cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh, ngành nông nghiệp và bà con nông dân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 6.000 ha cây trồng; trên 357.000 con gia súc, gia cầm chết; ngập tràn bờ gây thiệt hại gần 800 ha ao và 109m3 lồng cá... Mưa lũ cũng làm 406 công trình thủy lợi bị hư hỏng; 24 công trình cấp nước tập trung nông thôn hư hỏng nặng.

Nhanh chóng bù đắp sản lượng lương thực thiếu hụt do bão Yagi gây ra  第1张 Nông dân xã Việt Thành, huyện Trấn Yên trồng ngô trên diện tích đất bị ảnh hưởng do bão số 3 để bù đắp những thiệt hại về nông nghiệp sau bão

Lũ lụt, sạt lở đất đã khiến hàng chục nghìn nông hộ rơi vào tình cảnh khốn khó, tái nghèo dù trước đó các hộ thuộc diện khá, giàu, trung bình, mới thoát nghèo… Chính vì thế, khôi phục sản xuất, nhanh chóng bù đắp sản lượng lương thực thiếu hụt là vấn đề cấp thiết, cần sự quan tâm, hỗ trợ, sự chỉ đạo quyết liệt và cả sự nỗ lực của nhân dân.
Không để dân đói thực sự là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các địa phương, đặc biệt là nhờ tấm lòng sẻ chia của đồng bào cả nước. Bằng tấm lòng cao cả, bằng lương tâm và trách nhiệm, những bữa cơm không đồng, những thùng mì, phong lương khô, bao gạo đã kịp thời đến tận tay người dân trong lúc hoạn nạn và ngay từ khi nước còn chưa rút hết, công tác cứu trợ đồng bào còn đang diễn ra, tỉnh Yên Bái đã chủ động bố trí lực lượng, kêu gọi, hướng dẫn bà con nông dân cứu vớt cây trồng, vật nuôi, giảm bớt thiệt hại, tiếp đó là khôi phục sản xuất. 
Trước đó, UBND tỉnh đã có chỉ đạo các địa phương bằng mọi biện pháp tiêu úng, chống úng nhanh nhất, kịp thời cứu diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp, vật nuôi… chưa bị ngập úng hoặc còn đang bị ngập úng. 
Các địa phương như Văn Yên, Trấn Yên còn huy động lực lượng gặt lúa, thu ngô, làm chuồng trại nhốt gia súc, gia cầm ngay trong đêm để hạt thóc, bắp ngô, gà lợn từ ngoài đồng, ngoài bãi, trong chuồng trại được di chuyển từ vị trí thấp đến nơi an toàn. Nước rút tới đâu, cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp cụ thể bảo vệ sản xuất, khơi thông dòng chảy, đào đắp bờ vùng, bờ thửa, bơm nước tiêu úng cưỡng bức; cứu chữa cây trồng, vệ sinh đồng ruộng và xuống giống, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện mùa vụ… 
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp, chính quyền cơ sở đã sớm rà soát các công trình thủy lợi, đê kè, hồ đập, hồ chứa thủy lợi xung yếu, bị hư hại, để sửa chữa, khôi phục hoạt động trong thời gian ngắn nhất, phục vụ việc tiêu nước và ứng phó với các tình huống thiên tai, bão lũ có thể xảy ra. Đặc biệt, ngày 30/9/2024, HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 19 (Kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền, trong đó có Nghị quyết quy định một số nội dung và mức hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3. Nhiều cử tri bày tỏ sự đồng tình, phấn khởi và cho rằng: "Đây là những quyết sách rất kịp thời và vì nhân dân của HĐND tỉnh Yên Bái”. 
Nhờ chính sách hỗ trợ, nhờ sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được khôi phục nhanh chóng. Hơn 600 ha dâu trên địa bàn huyện Trấn Yên đã được cứu chữa kịp thời, những lứa tằm cuối vụ lại được thu kén; hàng nghìn héc ta ngô đông đã xuống giống trong khung thời vụ; cây màu ngắn ngày, đặc biệt là rau xanh, đậu đỗ đã lại xanh đồng. Ý chí vươn lên của người nông dân, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền là điều rất đáng ghi nhận, có lẽ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực khôi phục nhanh nhất, mạnh nhất so với các ngành, lĩnh vực bị thiệt hại bởi thiên tai. 
Tuy nhiên 3.136 ha lúa, 1.400 ha ngô bị ảnh hưởng, nhiều cánh đồng lúa đã chín bị chìm trong bùn, trong lũ, đồng nghĩa với hàng vạn tấn lương thực bị thiếu hụt, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Những ngày sau lũ bà con có mì, có gạo cứu trợ, nhưng rồi đến tết Nguyên đán, nhất là kỳ giáp hạt, khó khăn sẽ khó tránh khỏi - đây là suy nghĩ, là nỗi lo của người dân cần được các cấp, các ngành thấu hiểu và có biện pháp chỉ đạo ngay từ lúc này. Tiếp tục triển khai, áp dụng các biện pháp hỗ trợ; quyết liệt trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động để nông dân trồng thêm ngô, khoai… nhằm bù đắp lượng lương thực thiếu hụt để nông dân không thiếu đói, để sản xuất nông nghiệp phát triển trở lại, để nông thôn giữ vững danh hiệu "nông thôn mới” là những công việc cấp bách.
HĐND tỉnh đã thông qua 20 nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết quy định một số nội dung và mức hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn tỉnh Yên Bái như: "… hỗ trợ diện tích lúa thuần, lúa lai bị thiệt hại trên 70% là 10 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30-70% là 5 triệu đồng/ha. Hỗ trợ diện tích ngô, rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% là 7 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30-70% là 4 triệu đồng/ha...”. Ngoài ra còn hỗ trợ diện tích nuôi cá bị thiệt hại; hỗ trợ cải tạo phục hồi diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp... Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến là 87 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Lê Phiên