Đôi vợ chồng trẻ dự tính thu nhập kiểu 'đếm cua trong lỗ', sau Tết thắc mắc 'năm qua làm nhiều, tiền đi đâu hết'.
Trước đây, gần nhà tôi có một cặp vợ chồng trẻ, nghe người chồng nói tổng thu nhập của hai vợ chồng cũng xấp xỉ 20 triệu đồng một tháng. Trừ đi các khoản chi phí, họ để ra cũng được 5-6 triệu một tháng.
Một hôm anh chồng nói với tôi: "Vợ chồng cháu tính toán mỗi tháng để dành một ít, thì cuối năm cũng dành ra được cỡ 50 triệu chú ạ, nhưng không hiểu sao tiền đi đâu hết".
Đó là năm vợ chồng họ tính đổi chiếc xe máy tay ga mới để đi cho êm. Năm sau, ăn Tết xong họ cũng than y vậy với tôi. Đại loại như cảm giác năm qua thu nhập tăng lên nhiều, một tháng để dành ra nhiêu đó, nhưng rồi kiểm đếm lại không thấy tiền đâu cả.
Thậm chí vợ nghi ngờ chồng, chồng nghi ngờ vợ rút bớt tiền mà không báo, dẫn đến cãi nhau. Tôi chỉ hỏi: Vậy ăn Tết hết bao nhiêu tiền? Anh chồng tính sơ sơ 35 triệu. Nói xong rồi tự vỡ lẽ ra cái cảm giác làm ra nhiều tiền, nhưng sao qua một cái Tết thì lại không thấy đâu.
Rõ ràng, bên cạnh niềm vui sum họp gia đình, nhiều người lại đang phải đối mặt với một nỗi lo khác: chi phí về quê ăn Tết. Không ít người đã phải than thở rằng, số tiền dành dụm cả năm có thể "bốc hơi" chỉ sau một cái Tết.
Năm nay, chủ đề lại nóng với giá vé máy bay tăng cao. Chi phí về quê ăn Tết ngày càng trở nên đắt đỏ là vấn đề khiến nhiều người đau đầu. Những khoản chi như vé xe, vé máy bay, quà biếu, lì xì, chi phí ăn uống, sinh hoạt... đều tăng cao trong dịp lễ.
Việc chuẩn bị quà biếu cho ông bà, cha mẹ, họ hàng cũng là một khoản chi tiêu không nhỏ. Chưa kể đến các chi phí phát sinh không tên khác.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chi phí về quê ăn Tết tăng cao. Đầu tiên là do nhu cầu đi lại tăng đột biến trong dịp lễ. Các hãng xe, hãng hàng không tăng giá vé để tận dụng cơ hội này.
Thứ hai, tâm lý sắm sửa, tiêu dùng của người dân cũng tăng cao trong dịp Tết. Nhiều người muốn mua sắm quần áo mới, quà biếu chất lượng để thể hiện sự thành kính với gia đình và bạn bè.
Cuối cùng, áp lực xã hội cũng là một nguyên nhân khiến chi phí Tết tăng cao. Ai cũng muốn thể hiện mình có cuộc sống ổn định, vì vậy họ sẵn sàng chi tiêu một khoản tiền lớn cho dịp lễ này để thể hiện cho mọi người nhìn thấy.
Việc chi tiêu quá nhiều cho Tết không chỉ gây ra áp lực kinh tế cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống sau Tết. Nhiều người phải vay mượn tiền hoặc xài hết số tiền tiết kiệm để trang trải chi phí cho Tết, dẫn đến tình trạng khó khăn về tài chính trong những tháng đầu năm.
Tôi thấy, mỗi gia đình trẻ, nhất là chưa mua được nhà, cần lập ra cái quỹ dự phòng tiêu Tết. Trong năm cày cuốc kiếm tiền, lấp đầy được quỹ thì mạnh dạn về quê ăn Tết kiểu hào phóng một chút. Năm nào kém hơn thì xoay xở tiền vé đi lại, chế bớt quà cáp, lì xì. Còn năm nào kém quá thì nhịn lại một năm, qua Tết về sau.
Đồng tiền làm ra khó khăn, mọi chi tiêu lớn phải được dự tính và chi hợp lý. Chỉ riêng tiền Tết mà đi đứt mất mấy tháng thu nhập, thì khác gì tự thổi bong bóng - xả hơi - rồi lại thổi tiếp?
Đăng thảo luận
2024-12-08 16:15:29 · 来自171.13.175.189回复