Bình ĐịnhNgười đàn ông 51 tuổi tử vong sau 5 ngày nhiễm cúm A/H1N1, biến chứng sốc nhiễm trùng và hội chứng Cushing do dùng thuốc.

Bệnh nhân quê ở huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, được đưa vào khoa Nội - Nhi, Trung tâm Y tế huyện khuya 13/10. Ban đầu, ông được chẩn đoán loét dạ dày, rối loạn tiền đình và viêm phế quản. Ba ngày sau bệnh nhân mệt mỏi, ho nhiều, khò khè và sốt cao 39 độ, đau nhức toàn thân, chuyển tuyến trên với chẩn đoán viêm phổi, suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, hội chứng Cushing, trào ngược dạ dày thực quản và theo dõi sốt xuất huyết Dengue.

Sáng 17/10, bệnh nhân điều trị khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, chẩn đoán viêm phổi do virus. Chiều cùng ngày, ông hôn mê sâu, thở máy, da nổi vân tím, hai phổi có ít rale ẩm nổ, nhịp tim ngày càng chậm lại, huyết áp không đo được. Gia đình xin đưa về, bệnh nhân mất tại nhà.

Mẫu bệnh phẩm được Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm, kết quả ngày 18/10 cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Nguyên nhân tử vong được xác định do sốc nhiễm trùng và hội chứng Cushing liên quan đến việc sử dụng thuốc, trên nền bệnh viêm phổi nặng do cúm A/H1N1.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định phối hợp Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh điều tra dịch tễ, lập danh sách những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân, theo dõi sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Môi trường sống của bệnh nhân, vật dụng cá nhân, các cơ sở y tế nơi ông từng điều trị đều được khử khuẩn bằng Chloramin B 2%. Nhà của những hộ dân lân cận cũng được khử trùng để ngăn ngừa khả năng lây lan của virus cúm.

Hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm cho người này. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định đang theo dõi chặt chẽ sức khỏe của những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và khuyến cáo người dân cảnh giác, chủ động phòng chống cúm A/H1N1 để tránh lây lan trong cộng đồng.

Cúm A/H1N1 là một trong những chủng virus cúm A phổ biến, gây ra nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Virus này có khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt qua các giọt dịch tiết từ mũi, miệng khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Virus cúm A/H1N1 đã gây ra đại dịch toàn cầu vào năm 2009, hàng triệu người nhiễm. Mức độ nguy hiểm của cúm A/H1N1 không cao như cúm gia cầm A/H5N1 hoặc A/H7N9, song có thể gây viêm phổi nặng, suy hô hấp và tử vong, đặc biệt ở người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch yếu.

Tại Việt Nam, ca bệnh cúm A/H1N1 đầu tiên được ghi nhận vào tháng 5/2009. Kể từ đó, cúm A/H1N1 lưu hành trong cộng đồng, khả năng bùng phát thành các đợt dịch nhỏ lẻ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo cúm A/H1N1 có thể gây tử vong ở những người có bệnh mạn tính hoặc hệ miễn dịch suy yếu. Mỗi năm, trên thế giới ghi nhận khoảng 250.000-500.000 trường hợp tử vong liên quan đến cúm, trong đó cúm A/H1N1 là một trong các tác nhân phổ biến.

Hiện biện pháp phòng ngừa tốt nhất là tiêm phòng vaccine cúm hàng năm và tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc gần với người bệnh. Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo khi có triệu chứng cúm, đặc biệt là sốt cao, đau nhức toàn thân, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Phạm Linh