Mùa Tiếp sức đến trường 2014, từ sự giới thiệu của một thầy giáo, cô học trò nghèo đã được kết nối và nhận suất học bổng ân tình.

Tấm vé Tiếp sức đến trường đưa em vào giảng đường đổi thay số phận  第1张

Hân (bên trái) cùng mẹ, em trai và thầy Phạm Đình Được (bên phải) - Ảnh: B.D.

Khoản tiền học bổng Tiếp sức đến trường ấy đã giúp cô nữ sinh nghèo qua quãng đường gian khó để đúng 10 năm sau, cô sinh viên ngày ấy đã là kỹ sư.

Giữa trưa cuối tháng 8, thầy giáo Phạm Đình Được - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) - đưa chúng tôi quay lại ngôi nhà của mẹ Phan Thị Ngọc Hân, hiện là kỹ sư một công ty môi trường có chi nhánh tại TP Đà Nẵng.

Bất ngờ thấy người thầy giáo ngày nào nhiệt thành giúp con đăng ký nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, bà Võ Thị Ngọc Thương (55 tuổi) - người mẹ nghèo khó một đời của Hân - đứng tần ngần trước ô cửa rồi nước mắt cứ thế chảy tràn.

Hành trình nuôi con nhọc nhằn mà can đảm của mẹ 

Tấm vé Tiếp sức đến trường đưa em vào giảng đường đổi thay số phận  第2张

Hân cùng mẹ - Ảnh: B.D.

Hân giờ đã là kỹ sư môi trường, có công việc và thu nhập ổn định. Cô cũng vừa lập gia đình, chuyển về nhà chồng ở.

Thương nhớ mẹ, dù đường xa nhưng mỗi tuần Hân đều tranh thủ tạt qua mẹ. Trên tay lúc bó rau, khi con cá, khi đùm bánh mà mẹ thích ăn. Lần nào thấy con về, bà Thương cũng tủi. Bà thương những gì đã qua, một hành trình cơ cực và cũng đầy can trường.

Gần 10 năm mới quay lại ngôi nhà của cô học trò ngày nào, thầy Phạm Đình Được cũng bùi ngùi vì thấy mọi thứ thay khác. Cái dễ thấy nhất là mọi người đều không còn buồn lo như xưa nữa, mà thay vào là những cái ôm chặt xen lẫn bùi ngùi.

  • Tấm vé Tiếp sức đến trường đưa em vào giảng đường đổi thay số phận  第3张

    20 năm ân tình xứ Quảng: Con đường làng tối tăm, suất học bổng thắp lên ánh sángĐỌC NGAY

Trong nhà của bà Thương giờ đã xuất hiện những cái rất "lạ" mà nếu không can đảm nuôi con học hành thì khó có được. Đó là chiếc xe máy, chiếc quạt hơi nước, có cả nồi cơm điện, máy giặt, tủ lạnh… Những món đồ này không phải bà Thương sắm, mà từ tích cóp của con gái mua tặng mẹ sau khi tốt nghiệp đi làm.

Bà Thương gần như không nói gì khi gặp lại thầy Được, mà chỉ sụt sùi. Hỏi vì sao khóc bà cũng không nói nên lời. Cô con gái ngồi bên cạnh thì nhìn qua, bàn tay nắm chặt tay mẹ và bảo rằng mẹ mừng, tủi vì thấy thầy giáo cũ của con tới thăm nhà.

Thầy giáo Phạm Đình Được kể, năm 2014 khi còn dạy ở Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) thì thầy được một đồng nghiệp kể trong trường có một nữ sinh vừa đậu đại học nhưng khả năng không thể hoàn thành ước nguyện học hành.

Thầy chạy xe máy tìm tới và thấy ngôi nhà cấp 4 của ba mẹ con gồm bà Thương, Ngọc Hân và em trai Hân trống trơn trong khu nhà của thành phố Đà Nẵng cho những bà mẹ đơn thân thuê.

Bà Thương có chồng, nhưng khi Hân lên 8 tuổi thì ông mất vì bạo bệnh. Lúc chồng mất, bà Thương nặng gánh vì phải cáng đáng cả gia đình. Bà đi nhặt rác, đẩy xe bán xôi nhưng ráng lắm cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Mấy mẹ con cứ hết ở nơi này lại qua nơi khác.

Cảnh ở trọ cứ miết như vậy tới lúc thành phố Đà Nẵng có chính sách cho mẹ đơn thân thuê nhà ở với giá 100.000 đồng/tháng. Lúc đó bà Thương mới dẫn hai con vào mái nhà có mái che, có tường gạch đủ che mưa nắng ổn định tới nay.

Học bổng Tiếp sức đến trường: Tấm vé vào giảng đường thay đổi số phận

Tấm vé Tiếp sức đến trường đưa em vào giảng đường đổi thay số phận  第4张

Hân làm việc ở công ty hiện nay - Ảnh: NVCC

Phan Thị Ngọc Hân nhớ lại lúc khó khăn nhất và may mắn được thầy giáo trong trường, dù không trực tiếp dạy mình, kết nối tới học bổng Tiếp sức đến trường. Lúc đó Hân đậu vào Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, nhưng ngôi nhà trống trơn.

Để có tiền học đại học, mẹ Hân phải bán chiếc nhẫn vàng là kỷ vật quà mừng cưới lúc lấy chồng. Nhưng toàn bộ số tiền cũng chỉ dốc đủ cho học phí kỳ đầu tiên. Thật may, lúc đó Hân được thầy giáo hướng dẫn làm thủ tục học bổng Tiếp sức đến trường.

  • Lần đầu xã nghèo có người đậu trường chuyên, chàng trai mồ côi chinh phục cả giải quốc gia

  • Tổng giám đốc Phân bón Bình Điền: Nỗ lực làm việc hơn khi còn nhiều tân sinh viên khó khăn

  • Gặp lại sau Tiếp sức đến trường 2023: Tố Trinh đã cười nhiều hơn

"Lúc đó tiền của mẹ chỉ đủ học phí kỳ đầu tiên. Sau khi tôi nhập học được hơn 1 tháng, thầy Được báo là đi nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ. Mẹ không biết đi xe máy, cũng không biết luôn cả xe đạp, mình thì đang đi học.

Mẹ đi nhờ xe qua văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại số 9 Trần Phú, Đà Nẵng để đi cùng đoàn vào TP Hội An dự lễ trao. Cầm khoản học bổng trên tay về nhà, mẹ cứ khóc vì mừng" - Hân nhớ lại.

Hân nói khoản học bổng năm đó đã giúp cô hoàn tất thêm một kỳ học phí trong năm học đầu tiên. Tất cả như một giấc mơ, như hạt giống trôi dạt vô định trên dòng nước rồi bấu víu được mảnh đất tươi tốt, Hân qua năm học đầu tiên trong gian khó.

Từ năm học thứ 2 trở đi, Hân tự đi dạy thêm để trang trải cuộc sống. Dù còn những khó khăn nhưng vậy là quá may mắn, cô vững vàng hơn với con đường của mình và đi qua hết mấy năm đại học.

Kỹ sư môi trường yêu thương cho mẹ

Năm 2019, cô sinh viên nghèo Phan Thị Ngọc Hân tốt nghiệp loại giỏi và được nhận vào hợp đồng ở một đơn vị tại TP Đà Nẵng. Với đồng lương chỉ 3 triệu đồng mỗi tháng nhưng Hân dành dụm và năm đó mua được cho mẹ những bộ quần áo mới, một nồi cơm điện.

Một thời gian sau, Hân chuyển việc và được nhận vào vị trí kỹ sư môi trường nơi cô gắn bó tới hiện tại. Công việc chính là thiết kế hệ thống xử lý nước thải, đường thoát nước các công trình môi trường.

Có việc ổn định, Hân vui tươi hơn, tìm mọi cách bù đắp cho mẹ, phụ nuôi em. Lần đầu tiên thấy máy giặt, tủ lạnh, xe máy mới và chiếc nệm gấp thơm mùi mới xuất hiện trong nhà, mẹ Hân chỉ biết ôm con mừng tủi.

Không chỉ giúp Hân đăng ký suất học bổng quan trọng, năm em trai của Hân lên cấp 3 thì đậu vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng). Thấy hoàn cảnh quá khó khăn, thầy giáo Phạm Đình Được cũng đã viết bài về em trai của Hân đăng trên báo Tuổi Trẻ. Bài báo đó đã lan tỏa và bạn đọc báo đã quyên góp được 100 triệu đồng giúp em trai Hân học qua THPT, rồi tới nay là sinh viên năm thứ 4 Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.

"Giờ mình đã lập gia đình, đã có cuộc sống, công việc ổn định nhưng vẫn nhớ những gian khó đã qua. Cảm ơn thầy Được, cảm ơn các nhà hảo tâm báo Tuổi Trẻ đã tiếp sức đưa mình qua chặng đường gian khó. Học bổng không chỉ là lộ phí học hành, mà là món quà tiếp thêm sự tự tin trong lúc ngặt nghèo của mình và mẹ" - Hân nói.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Tấm vé Tiếp sức đến trường đưa em vào giảng đường đổi thay số phận  第5张

Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Tấm vé Tiếp sức đến trường đưa em vào giảng đường đổi thay số phận  第6张

Đồ họa: TUẤN ANH

Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.