Trung Quốc triển khai đợt khảo sát dân số và gia đình mới, nhằm tìm hiểu lý do người dân ngại sinh con, từ đó cải thiện chính sách khuyến sinh.

Cuộc khảo sát bắt đầu từ ngày 14/10, do Trung tâm nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc, trực thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) thực hiện trên 30.000 người tại 150 huyện, 1.500 cộng đồng. Mục tiêu là xác định yếu tố ảnh hưởng đến quan điểm sinh con, giải quyết khó khăn của các gia đình, phân tích tâm lý e ngại sinh con. Từ đó, Trung tâm nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc sẽ đưa ra bằng chứng khoa học để cải thiện chính sách và biện pháp khuyến sinh.

Theo tiến sĩ Song Jian, nhà nhân khẩu học tại Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, kể từ khi thực hiện chính sách ba con và các biện pháp hỗ trợ năm 2021, chính phủ đã thiết lập hệ thống chương trình hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn cần hiểu rõ các gia đình nhìn nhận chính sách này như thế nào và những nhu cầu nào chưa được đáp ứng.

"Một cuộc khảo sát lấy mẫu đại diện trên toàn quốc sẽ trả lời những câu hỏi này và giúp hoàn thiện khung chính sách bằng dữ liệu", tiến sĩ Song nói.

Bà Song lưu ý khảo sát không nhằm giải quyết vấn đề ngại sinh con của người dân. Mục tiêu của nó là chỉ ra các vấn đề tiềm ẩn và cung cấp dữ liệu hỗ trợ giải pháp. Bà nhấn mạnh, các chính sách hỗ trợ sinh sản phải có mục tiêu rõ ràng, dựa trên hiểu biết sâu rộng và chính xác về nhu cầu của gia đình.

Trung Quốc khảo sát lý do người dân ngại đẻ  第1张

Trẻ em vui chơi tại công viên nước ở thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, ngày 18/8. Ảnh: Xinhua

Theo Trung tâm, lần khảo sát gia đình và sinh sản toàn quốc gần nhất được thực hiện vào năm 2021. Trong các năm 2017, 2019 và 2021, NHC đã thực hiện ba cuộc khảo sát quốc gia về sinh sản và nuôi dạy con cái. Từ đó, cơ quan phân tích, nghiên cứu chuyên sâu về phát triển dân số trên nhiều khu vực, đặc biệt tập trung vào mức sinh, mong muốn có con và nhu cầu nuôi dạy con cái.

Từ năm 2022, do nhiều yếu tố như thay đổi quan điểm về sinh đẻ và số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm, Trung Quốc bước vào giai đoạn tăng trưởng dân số âm. Xu hướng nhân khẩu học này thể hiện rõ qua tình trạng giảm tỷ lệ sinh, dân số già hóa và chênh lệch dân số theo vùng.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố dữ liệu cho thấy dân số Trung Quốc đại lục vào cuối năm 2022 là 1,41 tỷ người, giảm 850.000 người so với năm 2021. Đây là lần đầu tiên dân số nước này tăng trưởng âm trong 61 năm, kể từ năm 1962.

Trung tâm cho biết, việc chuẩn bị cho đợt khảo sát mới mất hơn một năm và được triển khai sau khi NBS phê duyệt kế hoạch vào tháng 10/2024.

Bà Song cho biết, cuộc khảo sát cần trả lời được một số câu hỏi nổi bật: Hỗ trợ tài chính có thực sự khuyến khích sinh đẻ không? Tình trạng sinh sản khác nhau như thế nào giữa các nhóm nhân khẩu học? Các gia đình nhìn nhận nhu cầu chăm sóc con cái của họ ra sao?

Thục Linh (Theo Global Times)