Lần đầu tiên, Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) tài trợ mức vốn không hoàn lại là 575.000 euro (khoảng 16 tỉ đồng) cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững ESG. Đây là mức tài trợ với tỉ lệ cao nhất của tổ chức này.
Ông Albert Bokkestijn, quản lý dự án của DFCD và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), chia sẻ lý do để ý đến các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam - Ảnh: H.Y
Ngày 4-10, tại buổi lễ DFCD trao tài trợ vốn không hoàn lại cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đầu tiên có chứng nhận phát triển bền vững ESG, Công ty cổ phần Phúc Sinh (TP.HCM), ông Albert Bokkestijn, quản lý dự án DFCD và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), chia sẻ nhiều lý do về việc chọn doanh nghiệp nông nghiệp Việt, tài trợ mức vốn cao nhất từ trước đến nay.
"Biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu cần hành động khẩn cấp ở mọi cấp độ. Các vùng sản xuất cà phê của Việt Nam được biết là rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và nông dân sản xuất nhỏ tương đối nhiều, chưa lường được hết những hậu quả.
Có nhiều công ty xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ảnh hưởng môi trường, việc của chúng ta cần thay đổi. Trong quá trình này chúng tôi để ý đến các doanh nghiệp có sáng kiến ESG (môi trường - xã hội - quản trị) trong hành trình phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường", ông Albert Bokkestijn nói.
Ngoài việc hỗ trợ tài chính, vị này còn khẳng định sự công nhận của một tổ chức quốc tế đối với nỗ lực của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nếu có "vũ khí" là ESG, vì đây là xu hướng kinh doanh bền vững gắn liền với sự cân bằng môi trường.
Vùng trồng tiêu lớn tại tỉnh Đắk Nông mà Công ty cổ phần Phúc Sinh đầu tư theo hướng phát triển bền vững ESG - Ảnh: H.Y
Không phải ngẫu nhiên với các nguồn tài trợ, góp vốn từ các quỹ tài chính đều xuất phát từ Hà Lan, ông Phan Minh Thông - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh - kể lại sự may mắn được khách hàng Hà Lan "mách nước", vào năm 2008, thời điểm lần đầu tiên Phúc Sinh giao dịch tại thị trường này.
Ông Thông kể: "Họ nói rằng mong muốn của họ đến năm 2015, sản phẩm trên các kệ hàng ở thị trường Hà Lan, châu Âu... phải có chứng nhận, chứng chỉ phát triển bền vững. Từ đó, tôi lo và bắt tay chuẩn bị để có thành quả như hôm nay".
VSMCamp và CSMOSummit 2024 bàn về 'phát triển bền vững'
Phân Bón Cà Mau công bố báo cáo phát triển bền vững
Hiện doanh nghiệp này có hơn 20 chứng chỉ liên quan đến phát triển bền vững ở những vùng nguyên liệu như Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Sơn La...
Ngoài khoảng 575.000 euro từ DFCD, cách đây 2 tháng Công ty cổ phần Phúc Sinh cũng nhận một khoản đầu tư trị giá 25 triệu USD từ Quỹ đầu tư & Green của Hà Lan để làm nông nghiệp bền vững.
Ông Đặng Bùi Khuê - giám đốc phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam - cho rằng "đây là xu hướng mới, các doanh nghiệp nông nghiệp phải nhanh chân chuyển mình để đón những cơ hội mới".
160 triệu euro sẽ tài trợ cho các ngành liên quan đến môi trường, nông nghiệp bền vững
Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) là một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan với ngân sách 160 triệu euro (gần 4.500 tỉ đồng) được quản lý bởi Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Hà Lan (WWF-Hà Lan), cùng Quỹ Quản lý khí hậu (CFM).
Các lĩnh vực mà DFCD tập trung đầu tư là: nước sạch, vệ sinh môi trường, lâm nghiệp và đặc biệt nông nghiệp bền vững cho tất cả quốc gia trên thế giới
Đăng thảo luận