Tim Walz, ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ, kêu gọi bỏ cơ chế đại cử tri đoàn đã áp dụng từ lâu trong bầu cử tổng thống Mỹ.
"Tôi nghĩ ai cũng biết rằng đại cử tri đoàn cần biến mất. Chúng ta cần cơ chế phiếu phổ thông toàn quốc. Chúng ta cần thắng ở York, bang Pennsylvania. Chúng ta cần thắng ở tây Wisconsin. Chúng ta cần thắng ở Reno, bang Nevada", Thống đốc Minnesota Tim Walz, ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ, phát biểu tại buổi gặp mạnh thường quân ở California hôm 8/10.
Ông từng đưa ra tuyên bố tương tự trong một sự kiện ở thành phố Seattle thuộc bang Washington, thừa nhận bản thân là "người hâm mộ cơ chế phiếu phổ thông toàn quốc", tương tự một số nước cũng có mô hình chính trị tổng thống. Tim Walz cũng ngầm thể hiện không hài lòng về cơ chế đại cử tri đoàn, nhấn mạnh "thế giới chúng ta đang sống không được vận hành như vậy".
Phát ngôn của ông Walz gây chú ý vì những cuộc khảo sát toàn quốc hiện nay cho thấy cựu tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris đang cạnh tranh sít sao về tỷ lệ ủng hộ. Với xu hướng này, đại cử tri ở các bang chiến trường có thể sẽ một lần nữa phân định thắng thua trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Thống đốc Tim Walz tại buổi tranh luận ở New York ngày 2/10. Ảnh: Reuters
Các quản lý vận động bầu cử của đảng Dân chủ đã nhanh chóng diễn giải lại phát biểu, nhằm tránh ảnh hưởng đến chiến dịch tại loạt bang chiến trường. Đại diện chiến dịch tranh cử của Phó tổng thống Kamala Harris khẳng định bình luận của Thống đốc Minnesota không nằm trong các dự định chính sách nếu ứng viên Dân chủ đắc cử.
"Thống đốc tin rằng mọi lá phiếu đều quan trọng trong cơ chế đại cử tri đoàn. Ông ấy vinh dự được đi khắp cả nước, trong đó có những bang chiến trường, để vận động mọi người ủng hộ cặp ứng viên Harris - Walz", Teddy Tschann, người phát ngôn của ông Walz, nhấn mạnh.
Karoline Leavitt, thư ký báo chí cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, cáo buộc Thống đốc Walz đang "dọn đường để sau này không chấp nhận Tổng thống Trump chiến thắng danh chính ngôn thuận". Tài khoản chiến dịch của ông Trump trên mạng xã hội X cũng đăng bài chỉ trích Tim Walz "ghét Hiến pháp, ghét cả đại cử tri đoàn".
Trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ứng viên nhận được nhiều đầu phiếu phổ thông nhất chưa chắc đã đắc cử. Người dân Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống, thay vào đó là "đại cử tri đoàn" gồm 538 đại cử tri bỏ phiếu. Cơ chế này được quy định trong Hiến pháp Mỹ và áp dụng từ năm 1787.
Mỗi bang có số đại cử tri nhất định dựa trên quy mô dân số, tương ứng số đại diện trong 435 ghế Hạ viện và 100 ghế Thượng viện. Ba đại cử tri còn lại đến từ thủ đô Washington. Đại cử tri thường bầu theo kết quả bỏ phiếu phổ thông của bang mình đại diện, nhưng không có quy định ràng buộc. Để chiến thắng, ứng viên tổng thống cần giành được ít nhất 270 trong số 538 phiếu đại cử tri.
Những yếu tố thường gây tranh cãi trong cơ chế này là chênh lệch về số phiếu đại cử tri giữa các bang và sự hình thành nhóm nhỏ bang chiến trường có thể định đoạt kết quả bầu cử.
Những người không ủng hộ cơ chế đại cử tri đoàn cho rằng cách bầu cử này không phản ánh đúng tâm nguyện của đa số cử tri.
Năm 2000, ứng viên Cộng hòa George W. Bush giành chiến thắng trước ứng viên dân chủ Al Gore dù thua hơn 540.000 phiếu phổ thông. Năm 2016, ông Trump đánh bại ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ nhờ thắng lợi ở hầu hết các bang chiến trường, dù thua gần ba triệu phiếu phổ thông trên toàn quốc.
Thanh Danh (Theo Guardian, CNN, USA Today)
Đăng thảo luận