Nước Mỹ đối mặt siêu bão Milton khi chưa khắc phục xong hậu quả bão Helene, khiến năng lực và ngân sách ứng phó thảm họa trước nguy cơ quá tải.

Chưa đầy hai tuần sau khi bão Helene tàn phá các bang đông nam nước Mỹ, siêu bão Milton được dự báo sẽ trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử đổ bộ vào Florida trong 24 giờ tiếp theo.

"Nếu bão Milton giữ nguyên hướng di chuyển, nó sẽ là cơn bão tồi tệ nhất từng tấn công vào Vịnh Tampa trong hơn 100 năm qua", Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo.

Trong khi chính quyền bang Florida cùng người dân địa phương tích cực chuẩn bị phương án ứng phó bão Milton, nhiều người lo ngại cơn bão mạnh thứ hai đổ bộ sau Helene sẽ gia tăng áp lực đối với nguồn lực liên bang, vốn đối mặt khó khăn về ngân sách sau loạt thảm họa gần đây.

Ngay cả khi Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) ngày 6/10 khẳng định với công chúng rằng họ có đủ tiền để ứng phó với bão Helene và Milton, nhiều người cảnh báo nguồn ngân sách của cơ quan này đang cạn kiệt.

Elizabeth Zimmerman, cựu lãnh đạo văn phòng ứng phó thảm họa của FEMA dưới thời Barack Obama, cho rằng khả năng cấp ngân sách của chính phủ liên bang cho nỗ lực phục hồi sau các thảm họa liên tiếp là "mối lo ngại lớn".

"Hai cơn bão liên tiếp làm dấy lên lo ngại liệu FEMA và chính phủ liên bang có đủ số tiền cần thiết để ứng phó với thảm họa hay không", Zimmerman, hiện là cố vấn cấp cao tại công ty tư vấn về thảm họa IEM tại Mỹ, nói.

Bão chồng bão thách thức năng lực ứng phó thiên tai của Mỹ  第1张     Mắt bão Hilton nhìn từ vũ trụ

Bão Milton nhìn từ vũ trụ. Video: NASA

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cho biết FEMA có thể cạn ngân sách vào tháng tới, khiến họ không thể chi trả cho hoạt động khôi phục cơ sở hạ tầng hư hại sau bão lũ. Chương trình bảo hiểm lũ lụt của cơ quan này cũng có thể không còn tiền để trả cho các yêu cầu bồi thường hoặc khoản vay từ người nộp thuế liên bang.

Tổng thống Joe Biden trong thư gửi quốc hội Mỹ tuần trước cảnh báo Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp nhỏ (SBA) của Mỹ "sẽ cạn ngân sách trong vài tuần", không thể cung cấp cho các chủ doanh nghiệp và chủ nhà khoản vay ưu đãi để sửa chữa và xây dựng lại sau bão.

Chương trình cho vay khắc phục thảm họa của SBA đã cung cấp 45 tỷ USD, chủ yếu cho người sở hữu nhà, từ năm 2001 tới 2022. Nếu SBA không thể tiếp tục cho vay sau bão Helene và Milton, đó sẽ là trở ngại lớn cho nỗ lực khôi phục hậu thiên tai và sẽ làm cạn kiệt thêm quỹ ứng phó thảm họa của FEMA, khi các hộ gia đình tìm kiếm hỗ trợ khẩn cấp từ cơ quan này.

Sức ép với FEMA càng tăng khi ông Biden gần đây nhất trí thanh toán toàn bộ chi phí dọn dẹp tàn tích cùng các biện pháp khẩn cấp sau bão Helene, thay vì chỉ chi 75% như thông thường. Các bang thường sẽ phải trích ngân sách chi trả 25% tổng chi phí này.

Bão Helene đã khiến ít nhất 230 người thiệt mạng khi tàn phá 6 bang đông nam Mỹ, trong đó Bắc Carolina là nơi hứng chịu tổn thất nặng nề nhất. Công ty phân tích dữ liệu CoreLogic ước tính bão Helene gây thiệt hại 30,5-47,5 tỷ USD cho các chủ sở hữu bất động sản tại 16 bang ở Mỹ.

Bão chồng bão thách thức năng lực ứng phó thiên tai của Mỹ  第2张

Dự báo đường đi của bão Milton. Đồ họa: CNN

Milton thậm chí đe dọa gây hậu quả thảm khốc hơn, khi đường đi của bão hiện hướng thẳng về Vịnh Tampa. Khu vực đô thị hơn 3 triệu dân này đã không hứng chịu cơn bão lớn nào kể từ năm 1921 và các nhà hoạch định khu vực cảnh báo mối đe dọa lớn như vậy có thể gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD.

"Tình hình không tốt chút nào", Ken Graham, giám đốc NWS, nói về khả năng tàn phá của bão Milton, dự kiến đổ bộ ngày 9/10.

Thống đốc Florida Ron DeSantis đã ban bố tình trạng khẩn cấp với 51 trong 67 hạt của bang, dự đoán Milton có thể gây ra "những tác động rất, rất lớn". Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cảnh báo khi bão Milton đổ bộ, "thiệt hại thảm khốc sẽ xảy ra" ngay cả với những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, trong khi "điện nước sẽ mất trong vài ngày đến vài tuần".

Do Tampa nằm ngay gần bờ biển, các ngôi nhà ở đây có thể hứng chịu thiệt hại nặng nề ngay cả khi trụ vững trước gió bão. Những đợt sóng có thể cao tới 4-5 mét ập vào bờ, nhấn chìm nhà cửa và nội thất bên trong.

"Tần suất và cường độ của các thảm họa đang tăng lên mỗi năm và số lượng tuyên bố thảm họa cấp liên bang cũng tăng theo", Carrie Speranza, chủ tịch Hiệp hội Quản lý Tình trạng khẩn cấp Quốc tế, nói.

Bão chồng bão thách thức năng lực ứng phó thiên tai của Mỹ  第3张

Vệ binh Mỹ dọn dẹp tàn tích sau bão Helene trước khi siêu bão Milton đổ bộ vào bang Florida. Ảnh: AFP

Carlos Martin, giám đốc chương trình Thay đổi Tương lai của Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở Harvard, nhận xét FEMA hiện không chỉ đối mặt với gánh nặng chi trả các chi phí tái thiết dài hạn sau thảm họa, mà còn cả các chi phí ứng phó khẩn cấp trước mắt.

Quỹ cứu trợ thiên tai của FEMA bắt đầu gặp khó khăn về tài chính từ đầu tháng 8 và cơ quan đã phải tạm thời áp các hạn chế ngân sách, dẫn tới 9 tỷ USD ngân sách cho các dự án tái thiết bị cắt giảm. Hạn chế được dỡ bỏ vào ngày 1/10, khi quốc hội phân bổ 20 tỷ USD cho năm tài khóa hiện tại.

Tuy nhiên, số tiền đó có thể nhanh chóng được chi hết cho nỗ lực ứng phó bão Helene và Milton, khiến cơ quan liên bang này phải áp lại các biện pháp hạn chế nếu không có nguồn ngân sách bổ sung.

Bộ trưởng Mayorkas tuần trước cảnh báo FEMA có thể không đủ ngân sách để vượt qua mùa bão, dự kiến kết thúc vào ngày 30/11.

FEMA đầu tuần này khẳng định sẽ tập trung phục hồi sau bão Helene, đồng thời chuẩn bị nguồn lực ứng phó bão Milton. "Sẽ rất khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ làm được", Deanne Criswell, giám đốc FEMA, nói.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo thách thức với FEMA và chính quyền Tổng thống Biden là rất lớn, khi những trận siêu bão liên tiếp tấn công một khu vực.

"Khi thảm họa này xảy ra ngay sau thảm họa khác ở cùng một khu vực, điều đó tạo ra gánh nặng rất lớn, đặc biệt là với các cơ quan địa phương và các bang. Họ đã quá mệt mỏi", Tricia Wachtendorf, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thảm họa tại Đại học Delaware, nói.

Thùy Lâm (Theo Politico, CNN, Axios)