“Nếu đem khoảng 10 triệu xe mà TP.HCM đang quản lý xếp trên mặt đường thì phải mở rộng mặt đường hiện hữu lên gấp 2,5 lần mới đủ”, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - nhấn mạnh.

Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM: Đường rộng gấp 2,5 lần mới xếp đủ số xe đang quản lý  第1张

Việc mở rộng mặt đường được nhiều người dân TP.HCM mong chờ. Trong ảnh là đường Phạm Văn Đồng ùn ứ vào giờ cao điểm - Ảnh: CHÂU TUẤN

Tại cuộc họp báo kinh tế và xã hội TP.HCM chiều 19-9, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã giải đáp thắc mắc xoay quanh thực trạng lượng xe cộ đi lại ở TP.HCM ngày càng tăng khiến nhiều đường thường quá tải. Việc mở rộng mặt đường, phát triển hạ tầng giao thông đang được cơ quan chức năng quan tâm, phát triển theo kế hoạch phù hợp.

Ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết hiện tại TP.HCM đang quản lý 10 triệu xe, chưa kể các xe ở tỉnh tới và đi lại trong TP.HCM...

Do đó, mặt đường phải được mở rộng gấp 2,5 lần so với kích thước hiện hữu thì mới đủ để cho toàn bộ các loại xe TP.HCM quản lý đi lại. Tất cả các đô thị lớn hiện nay, không riêng TP.HCM đều đang đối diện với thực trạng ùn tắc giao thông do độ nén dân số.

Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM: Đường rộng gấp 2,5 lần mới xếp đủ số xe đang quản lý  第2张

Ùn ứ giao thông thường xuyên ở giao lộ Quang Trung - Tân Sơn (quận Gò Vấp) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Trước mắt để giải quyết bài toán nan giải này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã cùng các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, nâng cấp, mở rộng mạng lưới camera giám sát giao thông, tối ưu hoạt động của đèn tín hiệu từ các trục giao thông chính đã kết nối về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị.

Hơn thế nữa, các đơn vị sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và dữ liệu lớn để phân tích, hướng tới điều chỉnh giao thông theo thời gian thực...

Việc rà soát, điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến đường, theo dõi và điều chỉnh linh hoạt hoạt động của hệ thống đèn giao thông cũng sẽ được làm thường xuyên hơn.

  • Nghẽn đường Cộng Hòa: Xe chờ lên cầu vượt Hoàng Hoa Thám như ‘chờ lên phà’

Hiện tại, TP.HCM đang tổ chức lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.

Theo đó, việc triển khai một số dự án đường trên cao sẽ được rà soát, điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt. Trong đó có tham khảo kết quả gói thầu tư vấn nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt và chuẩn bị kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ, thuộc dự án phát triển giao thông xanh.

"Giao thông công cộng sẽ là câu trả lời cho bài toán kẹt xe của TP.HCM. Phát triển giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân là mục tiêu mà TP.HCM đang hướng tới.

Chúng ta cố gắng làm nhanh và nếu gặp các điều kiện tốt về mặt bằng, ngân sách, đầu tư xã hội thì tôi nghĩ khoảng 10 năm tới, chúng ta sẽ tránh được tình trạng như hiện nay", ông Bùi Hòa An chia sẻ.

Tổ chức đấu thầu xe buýt nhỏ

Trên cơ sở dự báo sản lượng vận tải hành khách về loại xe phù hợp hạ tầng giao thông trên đường, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ bằng xe buýt có trợ giá, đa phần thuộc nhóm xe buýt nhỏ (30 - 40 chỗ) và trung bình (41 - 50 chỗ).

Theo Sở Giao thông vận tải, điều này phù hợp với hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân và kết nối với các tuyến đường có chiều rộng nhỏ (như 17 tuyến xe buýt kết nối metro số 1).