Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế:

Người mua nhà ở thực phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ

(Dân trí) - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy, trong đó, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ.

Trình bày báo cáo tại phiên họp sáng nay (20/5), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế…

Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm nay cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức.

Đơn cử, tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng 4,2%; giá vé máy bay tăng cao tác động tiêu cực đối với tăng trưởng du lịch nội địa…

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86.400 doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81.300 doanh nghiệp).

Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế; tín dụng xanh cho phát triển bền vững còn gặp nhiều thách thức.

Tỷ giá tăng cao ngoài dự báo kể từ đầu năm, thậm chí có thời điểm đã vượt 25.000 đồng/USD, dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cao với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm nay khoảng 300.000 tỷ đồng (cao nhất trong 3 năm gần đây) trong đó nhóm bất động sản chiếm khoảng 44,2%.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi các nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin, gia tăng áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh.

Đáng chú ý, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội. Tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.

Người mua nhà ở thực phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ  第1张

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra tại Quốc hội sáng 20/5 (Ảnh: Quochoi.vn).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy.

Cụ thể, người có nhu cầu thực không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ); nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế cho rằng nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua có nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Tác động, ảnh hưởng của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý hiệu quả đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là quy mô nền kinh tế còn nhỏ, có độ mở lớn, sức chống chịu và năng lực cạnh tranh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, còn có những hạn chế, bất cập, yếu kém về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất, điểm nghẽn tăng năng suất lao động... Công tác dự báo còn hạn chế, vai trò quản lý Nhà nước, phản ứng chính sách, sự phối hợp của một số Bộ, ngành trong một số trường hợp chưa kịp thời, có nơi, có lúc còn bị động, hiệu quả chưa cao.