Những hình ảnh chân thực về hoạt động khai thác trái phép đá cảnh Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) cùng chiêu thức quay vòng hóa đơn được phóng viên Dân Việt ghi lại.
Sau khi đăng những bài đầu tiên "phanh phui" hoạt động khai thác đá mỹ nghệ trái phép và chiêu thức quay vòng hóa đơn ở trung tâm buôn bán đá cảnh ở thị trấn thuộc huyện Văn Chấn, chúng tôi quay trở lại Suối Giàng để gặp các lực lượng chức năng.
Chốt chặn 24/7 ngăn chặn vận chuyển đá trái phép được cơ quan chức năng mượn một mái hiên nhà dân ở thôn Kang Kỷ, xã Suối Giàng để án ngữ đường vào điểm nóng bản Suối Lóp. "Nay người ta có nhu cầu sửa lại nhà cửa, chốt liên ngành phải dời đi vị trí khác", Trung tá Lờ A Tủa – Trưởng Công an xã Suối Giàng nói với chúng tôi.
Ông Tủa trăn trở, với phụ cấp ít ỏi, các lực lượng của xã thay nhau trực ở chốt canh gác, với barie rất bài bản. Nhưng, với nguồn lợi không nhỏ từ đá màu khai thác, những "đá tặc" vạch đồi, vạch núi mà đi tắt, thay vì qua trạm barie của liên ngành. Đá vẫn bị tuồn ra ngoài và bán cho tư thương.
Đá cảnh được khoan, đục thành từng tảng nhỏ, sau đó dùng dây cáp tời bằng động cơ xe máy kéo đến đoạn đường có thể dùng xe máy chở ra khỏi núi. Khi gặp người lạ, những người chở đá trái phép không cho người lạ chụp ảnh với lý do xe đang vi phạm luật giao thông đường bộ.
Ông Hoàng Lê Huy – Chánh Văn phòng UBND huyện Văn Chấn thông tin với chúng tôi, mỗi năm địa phương dành kinh phí vài trăm triệu đồng để duy trì, vận hành tổ liên ngành kiểm soát, chốt chặn đường vào khu vực mỏ. Mỗi ca 3 người, mỗi ngày 3 ca. Cán bộ lực lượng liên ngành, đơn vị nào cũng vất vả …
Một lãnh đạo Sở ở Yên Bái hồi tưởng: "Từ gần 20 năm trước, ở gần Trung tâm huyện, với mong muốn chốt chặn việc chở đá lậu từ Suối Giàng ra ngoài, người ta đã từng lập barie, chốt kiểm soát rất bài bản". Thời gian sau, vì nhiều lý do, họ phải dừng "đề án" này lại".
Đá quý, đá mỹ nghệ vẫn tiếp tục bị khai thác trái phép trên quy mô lớn, dù ở hiện trường, những dòng chữ cảnh báo như: "Cấm khai thác đá", "Nguy hiểm chế người" hay hình đầu lâu xương chéo được viết, vẽ bằng sơn đỏ ở khắp nơi.
Từ chốt chặn vào điểm nóng, ông Lờ A Tủa - Trưởng Công an xã Suối Giàng kiến nghị: "Hoặc là Trung ương cấp phép cho đơn vị nào đó khai thác, quản lý minh bạch, đem lại nguồn thu chính đáng cho bà con và cả ngân sách. Hoặc là có biện pháp quản lý hiệu quả. Chứ bây giờ huyện rút rồi, chốt liên ngành canh giữ các mỏ đá cảnh, đá mỹ nghệ chỉ còn các lực lượng ở xã, đều là người địa phương cả…".
Còn người đứng đầu chính quyền xã Suối Giàng, ông Lường Văn Tâm – Chủ tịch UBND xã cũng giãi bày về việc "khó xử lý triệt để".
"Việc ngăn chặn xe cơ giới cỡ lớn đi vào khai thác đá trái phép, với nhân sự 24/7 trực là có thể làm được; nhưng việc cực kỳ nan giải: bà con nghèo ra ruộng nương của chính gia đình, bới ít đá cảnh, đem xuống núi bán cho đầu nậu. Cái này rất khó xử lý triệt để được", ông Tâm nói.
Tín hiệu khả quan hơn, trong ngày 5/9/2024, sau khi chúng tôi đăng tải bài điều tra dài kỳ, ông Phạm Trung Lân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái khẳng định "chắc nịch" về việc thành lập tổ liên ngành của tỉnh, "đặc trách" bảo vệ các mỏ đá ở Suối Giàng.
Theo đó, tổ liên ngành gồm 8 đơn vị ở tỉnh cùng tham gia, với các lực lượng Công an tỉnh, đơn vị Quản lý thị trường, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Công Thương, Sở Xây dựng,… theo đề xuất, còn bổ sung thêm UBND huyện Văn Chấn. Tổ trưởng của tổ liên ngành này, chính là ông Phó Giám đốc Sở Công Thương Phạm Trung Lân.
Được biết, tổ liên ngành sẽ ra quân, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn triệt để việc khai thác đá cảnh, đá mỹ nghệ trái phép ở các mỏ trên địa bàn Suối Giàng. Đồng thời xử lý dứt điểm vấn đề mà Dân Việt đã công phu điều tra, tố cáo: nạn quay vòng hồ sơ mua hàng bán đấu giá, rồi hợp thức hóa cho khai thác, buôn bán, chế tác, vận chuyển đá cảnh trên toàn địa bàn.
Những chiếc xe tải, máy xúc được huy động để khai thác, vận chuyển nhiều tảng đá cảnh khổng lồ cả ngày lẫn đêm tại thôn Suối Lóp, xã Suối Giàng và thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh chụp màn hình
Tuy nhiên, vị Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng nhấn mạnh nhiều khó khăn mà tổ liên ngành có thể gặp phải.
Khi Đoàn đến kiểm tra một khu trưng bày, chế tác và bán đá cảnh, có khi, một cửa hàng trưng bày hàng nghìn sản phẩm đá mỹ nghệ. Hòn nhỏ chỉ bằng cái chén uống trà, khối đá màu lớn thì khổng lồ, cao bằng cả cây cột điện ven quốc lộ. Giờ kiểm tra, đo đạc, cân đong trọng lượng và giá trị của kho hàng đó ra sao? Với những khối đá khổng lồ, ai là người cẩu kéo, nếu làm xước hay vỡ các mặt hàng nặng nhiều tấn và giá "chợ đen" lên tới hàng tỷ đồng kia, ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù?
Rồi nếu tịch thu ai sẽ đưa đi, ai sẽ giữ tang vật? Sau khi có biên bản, phải trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm trong 24 giờ. Muốn xử phạt được phải định giá; tức là phải lập hội đồng thẩm định giá, phải tham khảo thực tế giá thị trường, căn cứ vào đâu để "thống nhất" giá trị của từng sản phẩm? …
Những tảng đá mỹ nghệ nặng hàng chục tấn được bày bán tại thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; tất cả đều là sản phẩm từ khu vực khai thác "thổ phỉ" trên địa bàn xã Suối Giàng.
Rất nhiều vấn đề được đặt ra!
Một vị cán bộ tiết lộ: "Chắc chắn trong quá trình triển khai chắc chắn tôi sẽ dính "gạch đá". Thậm chí nếu như làm "rắn" quá, mà tối đi ra đường coi chừng bị trả thù. Tất nhiên, chính quyền địa phương đảm bảo an ninh cho đoàn liên ngành; nhưng mà làm sao đảm bảo mãi mãi được cái sự "an ninh" đó. Nó lén lút hoặc như nào đó thì sao".
Về vấn đề "quay vòng hồ sơ" được Dân Việt nêu trong loạt bài điều tra, vị lãnh đạo Sở Công Thương thừa nhận điều này "hoàn toàn có thể xảy ra". Bởi rất khó để xác định viên đá, khối đá màu nào là hàng bán đấu giá, lô hàng nào là hàng lậu. Thêm nữa, họ bán hàng đá mỹ nghệ suốt ngày, ai ở đó mà canh gác theo dõi liên tục được?
Đấy là chưa kể, "hôm vừa rồi vào họp, phía huyện nói về việc họ còn đi đấu giá các lô hàng đá cảnh bị xử lý ở các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, rồi lên tận Lào Cai", vị cán bộ nhấn mạnh. Tức là sau đấu giá họ sẽ có hồ sơ mua đấu giá, rồi làm bình phong hợp thức hóa việc chế tác, buôn bán, vận chuyển đá cảnh lậu ở khắp nơi.
Các điểm khai thác, chế tác đá cảnh trái phép ở Suối Lóp đều nằm xen lẫn nhà người dân sinh sống.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, dự kiến đoàn liên ngành "sẽ làm cực kỳ chặt chẽ": Yêu cầu trình hóa đơn mua đấu giá, mua bao nhiêu tấn, giá bao nhiêu, mua mấy lần, bóc tách từng lô hàng, lô nào mua đấu giá, lô nào mua trôi nổi, số nào đã bán, còn tồn bao nhiêu?
"Chúng tôi kiểm tra, nếu không trung thực, lực lượng liên ngành sẽ báo cáo UBND tỉnh để chuyển cơ quan Công an làm rõ. Phải làm chặt chẽ, quyết liệt như vậy, thì mới phát huy được hiệu quả của chốt liên ngành bảo vệ các mỏ đá cảnh, đá mỹ nghệ" – vị lãnh đạo Sở Công Thương cho hay.
Về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở Suối Giàng, chúng tôi đã liên hệ làm việc với Sở TNMT tỉnh Yên Bái.
Theo thông tin từ Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái: "Hiện nay, theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì trên địa bàn xã Suối Giàng có 3 khu vực đá trang trí mỹ nghệ (đá metacacbonat) được quy hoạch thăm dò, khai thác, rộng khoảng 100 ha. Chưa có khu vực nào được cấp giấy phép khai thác".
Các con số về xử lý khai thác, vận chuyển đá trái phép ở Suối Giàng như sau.
Năm 2017, xử lý 14 vụ vi phạm; tịch thu 361 tấn đá, 01 máy cắt đá; tổ chức đấu giá được trên 500 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước; Năm 2018: 30 vụ vi phạm; tịch thu 301,542 tấn đá; bán đấu giá được 514 triệu đồng; Năm 2019: 12 vụ vi phạm; tịch thu 198,2 tấn đá; xử phạt vi phạm hành chính, bán đấu giá được 300 triệu đồng; Năm 2021, thu giữ 149,96 tấn đá cảnh; Năm 2022 thu giữ 727,48 tấn.
Những cây đá cảnh với nhiều màu sắc khác nhau được bày bán tại một cơ sở chế tác đá rất lớn ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, hàng chục cây đá to như một gian nhà, cao hơn cột điện cao thế, chúng được bán với giá vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Riêng năm 2024, Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xác minh và làm rõ nguồn gốc đá cảnh đang bày bán, tàng trữ, chế tác trên địa bàn chỉ thu giữ 23 tấn đá Suối Giàng, xử phạt vi phạm hành chính 17,5 triệu đồng đối với một hộ gia đình tại thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn.
Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái thẳng thắn nhìn nhận: "Mặc dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng khai thác đá trái phép vẫn còn diễn ra".
Dư luận đang chờ một sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Yên Bái. Thay vì chỉ ban hành hàng chục văn bản cấp tỉnh, cấp huyện rồi vô số cuộc ra quân vất vả, tốn kém: "vào đến nơi họ ngừng khai thác và rút hết", "thấy hàng gian nhưng không tìm ra chủ". Chúng tôi nghĩ, nói vậy chỉ là… một cách nói mà thôi. Để rồi, bao năm, điểm nóng này cứ ở tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" như thế.
Có những cửa hàng bày bán hàng nghìn sản phẩm đá mỹ nghệ từ bé đến lớn rất khó khăn cho các đơn vị kiểm tra, xử lý.
(Còn nữa...)
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận