Cử tri kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành hướng dẫn xác định người lao động có thu nhập thấp.

Gần 3 năm chưa có hướng dẫn xác định 'người lao động thu nhập thấp'  第1张

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 21-10, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình đã báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đã có 2.289 kiến nghị của cử tri được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.238 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 97,8%.

Đề nghị rút kinh nghiệm

Tuy nhiên, theo ông Bình, qua giám sát cho thấy việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn có một số hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của một số đối tượng và hiệu quả thực hiện một số chính sách ưu đãi của nhà nước.

Như từ năm 2022 đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định "người lao động có thu nhập thấp".

  • Gần 3 năm chưa có hướng dẫn xác định 'người lao động thu nhập thấp'  第2张

    Gặp Thủ tướng, cử tri Cần Thơ thắc mắc 'vì sao cơ chế đặc thù chậm đi vào thực tế'ĐỌC NGAY

Qua giám sát cho thấy, ngày 18-10-2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 90 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

"Người lao động có thu nhập thấp" là một trong các đối tượng được thụ hưởng chính sách "Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn" theo quyết định số 90.

Do không có cơ sở để xác định thế nào là "người lao động có thu nhập thấp" nên các địa phương không thể thực hiện được chính sách này.

Như vậy, sau gần 3 năm quyết định số 90 có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có hướng dẫn xác định "người lao động có thu nhập thấp", nên chính sách ưu đãi này chưa được triển khai trên thực tế, trong khi thời gian thực hiện quyết định 90 chỉ còn hơn 1 năm.

Từ đó, kiến nghị bộ khẩn trương tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành hướng dẫn việc xác định "người lao động có thu nhập thấp" làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.

Đồng thời rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, xây dựng ban hành chính sách, bảo đảm chính sách đưa ra được thực hiện hiệu quả trên thực tế.

Đề nghị có giải pháp khắc phục thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng

Theo ông Bình, cử tri nhiều địa phương phản ánh thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở y tế công lập nên nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi, có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Qua giám sát cho thấy Chính phủ đã ban hành nghị quyết 98 ngày 10-7-2023 về bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trong đó, đã xác định bảo đảm có vắc xin sớm nhất là nhiệm vụ cấp bách và giao Bộ Y tế trong tháng 7-2023, trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi nghị định số quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên, đến ngày 5-2-2024, nghị định số 13 sửa đổi nghị định 104 mới được ban hành, theo đó ngân sách trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đến tháng 6-2024, Bộ Y tế mới ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024, quá chậm để các địa phương có thể triển khai thực hiện.

Theo báo cáo, tại nhiều địa phương tình trạng thiếu vắc xin đã diễn ra từ cuối năm 2022, đến thời điểm tháng 9-2024 vẫn còn xảy ra tình trạng này.

Từ đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và các địa phương có giải pháp quyết liệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin.

Cũng theo ông Bình, nghị định 116 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được ban hành hơn 8 năm trước và thông tư liên tịch 109 về hướng dẫn một số chế độ tài chính với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc được ban hành cách đây hơn 15 năm.

Trong thời gian qua, kinh tế - xã hội của đất nước không ngừng phát triển, đời sống của người dân đã được nâng lên, nhưng chính sách hỗ trợ nêu trên chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đây cũng là ý kiến của cử tri kéo dài qua các nhiệm kỳ Quốc hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện đúng cam kết về thời hạn giải quyết đã hứa với cử tri. Các kiến nghị này cần được nghiên cứu, tiếp thu nhằm giải quyết dứt điểm, tránh để cử tri tiếp tục kiến nghị trong các kỳ họp tới.

Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ nêu trên.