Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 ở quận Ba Đình bị ngập, nhiều bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Thận Hà Nội điều trị.

Toàn bộ khu vực dẫn vào Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 bị ngập sâu, tầng một của viện cũng có hiện tượng ngập nước. Cơ sở y tế này nằm trong khu vực ngập úng do mực nước trên sông Hồng đang dâng cao những ngày qua.

Hôm 11/9, tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, huy động các bên hỗ trợ, phối hợp chuyển bệnh nhân điều trị ở ngoại khoa của bệnh viện này về Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, còn bệnh nhân điều trị thận chuyển về Bệnh viện Thận Hà Nội. Đồng thời, một số bệnh nhân khó khăn trong đi lại, sinh hoạt được chuyển về Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 1 để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế.

Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 thực hiện khoảng 28.000 lượt chạy thận và điều trị nội trú khoảng 2.000 lượt người bệnh mỗi năm.

Bệnh viện Hà Nội ngập phải di dời bệnh nhân  第1张

Bệnh nhân được hỗ trợ chuyển về Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn để điều trị. Ảnh: Sở Y tế

Cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội phân công 4 bệnh viện đa khoa hạng I của thành phố (gồm Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Đức Giang, Hà Đông) hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện đa khoa hạng II và trung tâm y tế trên địa bàn. Bệnh nhân nặng, nguy kịch cần hội chẩn các chuyên khoa đầu ngành, các bệnh viện hỗ trợ và cơ sở y tế tuyến dưới lập các nhóm Zalo để trao đổi trực tuyến, hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Miền Bắc đang hứng chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản do bão Yagi cùng hoàn lưu gây mưa to, lũ lớn nhất 30 năm qua. Nhiều tuyến đường của Hà Nội bị ngập, như đoạn đường Phùng Hưng, Cầu Bươu (quận Hà Đông), ngay lối vào Bệnh viện K, hiện ngập nặng. Song, hầu hết bệnh viện vẫn tổ chức khám chữa bệnh bình thường. Bệnh viện phân luồng hướng dẫn người bệnh, bố trí xe điện miễn phí đưa đón người bệnh, giảm nguy cơ ngã vì trơn trợt.

Bệnh viện Hà Nội ngập phải di dời bệnh nhân  第2张

Bệnh viện K bố trí xe điện đưa đón bệnh nhân. Ảnh: Hà Trần

Tính đến 7h ngày 12/9, cả nước ghi nhận 325 người chết, mất tích (197 người chết, 128 người mất tích). Cụ thể, tại Lào Cai 177 người (82 người chết, 95 người mất tích). Cao Bằng ghi nhận 52 người tại huyện Nguyên Bình (34 người chết, 18 người mất tích); Yên Bái 44 người (42 người chết, 2 người mất tích).

Các tỉnh khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... đều thiệt hại nặng nề.

Lê Nga