Người đàn ông 37 tuổi, được ghép trái tim từ người cho chết não ở Hà Nội, hiện khỏe mạnh, xuất viện sau một tháng điều trị.

"Chúng tôi may mắn, luôn biết ơn các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện", vợ bệnh nhân chia sẻ, thêm rằng giờ đây được trở về nhà, chị sẽ sắp xếp lại cuộc sống, bắt đầu một chương mới. "Các con tôi sẽ lại được ngủ ngon bên cha mẹ", chị xúc động nói thêm.

Bệnh nhân trên được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim từ năm 2021, khi đó chức năng co bóp của cơ tim chỉ còn 18%. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 và điều kiện chẩn đoán chưa đầy đủ tại bệnh viện cơ sở, anh không thể đi khám và tiếp cận các phương tiện chẩn đoán chính xác.

Từ tháng 7/2023, khi triệu chứng khó thở ngày càng nặng, bệnh nhân tìm đến Bệnh viện Đại học Y Dược. Tại đây, các bác sĩ xác định rõ tình trạng bệnh, đồng thời phát hiện người bệnh có nhóm máu Rh âm tính - là nhóm máu hiếm gặp.

Sau quá trình điều trị, tình trạng khó thở được cải thiện, người bệnh đăng ký vào danh sách chờ ghép tim. Ca phẫu thuật được thực hiện đêm 24/8. Người hiến tạng là nam thanh niên 32 tuổi, chết não tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội. Tim của anh được chuyển vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, còn gan, thận, giác mạc ghép cho 5 bệnh nhân khác tại Hà Nội, cùng ngày.

Đây là trường hợp ghép tim đầu tiên của Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cũng là ca lấy - ghép mô tạng đầu tiên do Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thực hiện, cùng sự phối hợp của các chuyên gia Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Định, người thực hiện ca ghép tim, bệnh nhân vẫn cần dùng thuốc ức chế miễn dịch, có những chương trình tập luyện vật lý trị liệu dành riêng phục hồi vận động kèm tư vấn tâm lý để có thể quay lại cuộc sống bình thường.

"Thông thường, sau khi mổ ghép tim, người bệnh thường cảm giác mình rất khỏe nên hay chủ quan, nếu không tư vấn kỹ về tâm lý và phương pháp điều trị thì có thể cố sức, rất nguy hiểm", PGS Định giải thích.

Bệnh nhân TP HCM được ghép tim hiến tặng xuất viện  第1张

Bệnh nhân bên cạnh các nhân viên y tế. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo do mô tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc...

Tính đến đầu năm nay, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, các bệnh viện cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện, gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.

Mỹ Ý