Thấy cái bánh trung thu giá hơn tô phở bò tái, tôi đắn đo mãi rồi quyết không mua.

Ngay từ đầu tháng bảy âm lịch, tức một tháng rưỡi nữa mới đến trung thu, tôi đã thấy ngoài đường lác đác các sạp bán bánh. Rồi khi đi siêu thị, trong quầy hàng, tôi cũng thấy những chiếc bánh được trưng bày.

Tôi thích bánh nhân đậu xanh, hôm đấy tôi được biếu một ít trà, nên định mua một chiếc bánh về nhà, vừa pha trà, vừa nhâm nhi. Nhưng dạo một vòng các kệ, tôi đắn đo một lúc rồi không mua nữa.

Một chiếc bánh trung thu giá rẻ nhất trên kệ lúc đó, đến từ một thương hiệu cũng không mấy nổi tiếng, hàng này dĩ nhiên đánh vào phân khúc bình dân, nhưng giá niêm yết là 68 nghìn đồng.

Để dễ so sánh, một tô hủ tíu gõ 20 nghìn đồng, phở bò tái hoặc hủ tíu nam vang chỉ từ 40 nghìn đồng là có một tô ăn no nê, đầy đủ chất dinh dưỡng thịt rau.

Tôi có thắc mắc chung với nhiều người, rằng tại sao bánh trung thu lại trở nên đắt đỏ đến vậy? Và liệu giá cả có xứng đáng với giá trị văn hóa mà nó mang lại?

Ai cũng biết một mặt hàng khi ra thị trường do nhiều yếu tố định giá. Như bánh trung thu, đầu tiên là sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào như đường, dầu ăn, trứng... Bên cạnh đó, việc sử dụng những nguyên liệu cao cấp, nhập khẩu như dùng nhân yến sào, vi cá... cũng đẩy giá thành sản phẩm lên đáng kể.

Trong khi đó, khi lên các sàn thương mại điện tử, tôi thấy một số shop bán bánh trung thu, được quảng cáo là hàng nhập, nội địa nước ngoài, giá cũng tầm 55-60 nghìn đồng, nhưng là một set từ 4 cái trở lên.

Tại sao một chiếc bánh được đánh giá là bình dân, tại sao lại có cảm giác đắt như thế?

*Quan điểm của bạn thế nào? tại đây.

Bình Nguyên