Họp báo quý 3 UBND tỉnh Quảng Ngãi trở nên nóng khi rất nhiều câu hỏi phóng viên đặt ra liên quan đến 64 trụ điện cao thế xây dựng trái phép để nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A, Sơn Trà 1B và Sơn Trà 1C bán điện.
Trụ điện cao thế xây dựng trái phép đã làm khó cho dự án kè khẩn cấp khắc phục sạt lở núi Van Cà Vãi, người dân vì thế mà nơm nớp sống chung với sạt lở - Ảnh: TRẦN MAI
Trả lời tại cuộc họp báo ngày 18-10, các bên liên quan khẳng định 64 trụ điện cao thế Công ty Đạt Phương Sơn Trà xây dựng trái phép trên địa bàn hai huyện Sơn Hà và Sơn Tây (Quảng Ngãi) vì không có trong chủ trương đầu tư và quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, chưa được giao đất.
"Trụ điện xây dựng trái phép là vấn đề dư luận quan tâm"
Phóng viên Tuổi Trẻ cùng nhiều báo đặt câu hỏi liên quan đến 64 trụ điện xây dựng trái phép để Công ty cổ phần Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà kéo dài 25km qua hai huyện Sơn Tây và Sơn Hà. Trong đó, có trụ điện nằm trên đỉnh núi Van Cà Vãi đang sạt lở, phải đầu tư khẩn cấp chống sạt lở, nhưng phương án thi công hạ cao độ đỉnh núi không thể thực hiện vì vướng trụ điện.
Quá nhiều báo đặt câu hỏi, ông Trần Hoàng Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - chủ trì cuộc họp báo - nói đây là vấn đề nóng, dư luận quan tâm. Việc này tồn tại nhiều năm, các đơn vị sở ngành, địa phương liên quan phải trả lời cụ thể phương án giải quyết, không trả lời chung chung.
Chi 14 tỉ đồng bạt núi chống sạt lở cho 5 hộ dân: Sao không di dời?
Trước hàng loạt câu hỏi, bà Đinh Thị Trà - chủ tịch UBND huyện Sơn Hà - thông tin 64 trụ điện được thi công năm 2016-2017. Tại huyện có 54 trụ, đi qua 6 xã, thị trấn.
"Việc nhà đầu tư chôn hàng trụ này huyện có biết và thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn 5537 năm 2016 về xây dựng đường dây và giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng năm 2017", bà Trà nói.
Từ năm 2019, các bên liên quan đã tập trung giải quyết. Tuy nhiên, trong phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thủy điện Sơn Trà không có nội dung phê duyệt quỹ đất để xây dựng các trụ điện cao thế trên. Vì vậy, không có cơ sở thu hồi đất.
"Từ đó, dẫn đến công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất chưa thể thực hiện. Vị trí móng trụ có nhiều rắc rối nên huyện không giải quyết được", bà Trà nói.
Bà Đinh Thị Trà, chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho rằng trụ điện không có trong quyết định chủ trương đầu tư - Ảnh: TRẦN MAI
Tiếp tục trả lời, ông Võ Văn Rân - giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi - cho rằng năm 2016-2017, cơ chế cho phép nhà đầu tư tự thỏa thuận bồi thường với chủ đất. Sau đó hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai. Tuy nhiên, đến nay thủ tục pháp lý đất đai vẫn chưa được chủ thủy điện hoàn thành.
Thêm bất cập mà ông Rân thông tin là đường dây nằm trong hạng mục dự án, nhưng không có trong quyết định chủ trương đầu tư, dẫn đến khi tháo gỡ vướng mắc các bên liên quan cãi qua cãi lại.
Ông Rân nói Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc bổ sung quỹ đất và hạng mục đường dây điện, trụ điện cao thế vào trong chủ trương đầu tư là không hợp lý vì quyết định chủ trương được cấp cho dự án đã lâu và hạng mục đường dây, đất chôn trụ cũng xây dựng từ lâu.
Còn Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời hạng mục này không có trong quyết định chủ trương đầu tư thì không thể hoàn thiện thủ tục về đất, pháp lý về đất đai được.
"Từ đó, đến nay gần 3 năm vẫn chưa gỡ được, sự việc vẫn chưa ngã ngũ vì quan điểm giữa các sở ngành và địa phương chưa thống nhất", ông Rân giãi bày.
Ông Võ Minh Vương, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nói đất dựng trụ điện phải được chuyển mục đích sử dụng đất mới có thể thi công - Ảnh: TRẦN MAI
Các bên tranh luận ngay tại buổi họp báo
Tiếp tục trả lời, ông Võ Minh Vương - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - khẳng định đã rà soát 64 trụ điện cao thế trên chưa được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất năng lượng để xây dựng trụ điện.
"Hành lang lưới điện không phải thu hồi đất, nhưng đất xây dựng trụ điện thì phải thu hồi đất, chuyển mục đích và giao đất để đầu tư xây dựng. Điều kiện để chuyển mục đích và giao đất là phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất và phải có trong đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm của địa phương.
Phải đảm bảo các điều kiện trên mới có cơ sở thực hiện. Qua rà soát, 64 trụ điện trên không phù với kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến vướng", ông Vương thông tin.
Trụ điện xây dựng trái phép trên đỉnh Van Cà Vãi đã tồn tại 7 năm qua - Ảnh: TRẦN MAI
Tại cuộc họp báo, tranh luận đã nổ ra giữa các bên. Ông Vương vừa phát biểu xong, bà Đinh Thị Trà, chủ tịch UBND huyện Sơn Hà tranh luận vướng từ chủ trương đầu tư dự án thủy điện Sơn Trà đã không có các trụ điện trên. Chính vì thế các bên mới lúng túng xử lý.
Mọi chuyện quá rối rắm và không có lối ra, ông Trần Hoàng Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - giao Sở Công Thương, UBND huyện Sơn Hà phối hợp với các sở ngành liên quan, làm việc với Công ty cổ phần Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà làm rõ và nêu hướng tháo gỡ, không thể kéo dài sự việc.
Đăng thảo luận