Thời gian qua, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã triển khai rộng rãi mô hình trồng hoa tại bờ ruộng nhằm "dụ" thiên địch đến để tiêu diệt các loài sâu rầy có hại. Đây là một trong những biện pháp giúp trồng lúa "sạch", cần được nghiên cứu ứng dụng và nhân rộng.

Khoảng hơn 30 năm trước, nông dân trồng lúa rất ít sử dụng thuốc trừ sâu bởi khi đó còn ít, giá cả cao. Quanh đi quẩn lại, người dân chỉ dùng Basudin, DDT… - vốn tác hại lớn đến môi trường do quá độc và chậm phân hủy. Nông dân thường dùng các biện pháp tự nhiên như tránh trồng vụ nghịch, chọn giống kháng sâu rầy mạnh, thả vịt cho ăn sâu rầy… Những biện pháp này tuy an toàn nhưng hiệu quả không cao.

Những năm gần đây, nhờ tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng có nhiều chủng loại, trừ sâu rầy hiệu quả, giá cả rẻ hơn lại tương đối an toàn cho người và một số loài động vật. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà một số loại nông sản có nguy cơ nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu nhiều hơn, các loài động vật có ích cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Từ năm 2002, khi ngành khuyến nông áp dụng chương trình "3 giảm, 3 tăng" trong canh tác lúa (giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân đạm, giảm phun thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế), việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu được đặc biệt quan tâm. Cùng mục đích giảm chi phí, trong đó có việc giảm sử dụng chất hóa học, tăng hiệu quả cây trồng, ngành khuyến nông còn đưa ra chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

IPM có 5 biện pháp cơ bản: canh tác kỹ thuật; sử dụng giống; đấu tranh sinh học và cách phòng trừ sinh học; điều hòa; sử dụng hóa chất khi cần thiết và hợp lý. Các nguyên tắc cơ bản của IPM là trồng cây khỏe, cây có sức chống chịu cao; làm giàu thiên địch, tạo điều kiện cho thiên địch phát triển và nhân giống, thường xuyên thăm vườn để có biện pháp cụ thể, kịp thời; nông dân trở thành chuyên gia đồng ruộng.

 Trồng hoa chống sâu rầy 第1张

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã triển khai rộng rãi mô hình trồng hoa tại các bờ ruộng nhằm “dụ” thiên địch. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Như vậy, việc trồng hoa chống sâu rầy trên ruộng lúa do các địa phương phát động là một trong những giải pháp cụ thể để thực hiện chương trình sản xuất an toàn. Không chỉ vậy, những bờ hoa, đường hoa rực rỡ màu sắc lâu nay còn trở thành điểm "check-in" của giới trẻ, từ đó góp phần vào việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh đẹp của địa phương; giúp lan tỏa các mô hình xây dựng nông thôn mới đến nhiều người và nhiều địa phương khác.

Thực hiện mô hình này nhìn chung ít tốn kém, phù hợp với phần đông nông dân và nông thôn ở nước ta, do đó có thể nhân rộng nhiều nơi. Trong quá trình nhân rộng, cần chú ý việc "dồn điền đổi thửa", "tích tụ ruộng đất" để có những mảnh ruộng tương đối lớn, từ đó dễ canh tác và có thể đắp được những bờ bao đủ rộng để trồng những loại cây phù hợp, đồng thời phục vụ việc vận chuyển nông sản cho người dân.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu những loài cây phù hợp với từng loại thổ nhưỡng và có khả năng thu hút sâu rầy để thật sự có tác dụng. Cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn và cung cấp giống cho nông dân - có thể thông qua các kênh trên mạng xã hội để người dân tự tìm hiểu và áp dụng. Đương nhiên, cần nghiên cứu để ứng dụng không chỉ trên ruộng lúa mà còn với nhiều loại cây trồng khác.