Hai nhóm các nhà khoa học vừa phát hiện ra một hành tinh mà chúng ta có thể tìm tới sinh sống được, về mặt lý thuyết. Hành tinh này nhỏ hơn Trái đất nhưng lớn hơn Sao Kim và quay quanh một ngôi sao nhỏ, nằm tại vị trí cách chúng ta "chỉ" khoảng gần 40 năm ánh sáng.
Theo hai nghiên cứu mới được công bố vào ngày 23/5 trên tạp chí MNRAS (Tạp chí khoa học Vật lý Thiên văn và Thông báo hàng hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia), hành tinh kể trên có tên Gliese 12b. Hiện nó đang quay quanh một ngôi sao lùn đỏ với nhiệt độ tương đối "mát" nằm trong chòm sao Song Ngư. Ngôi sao này có kích thước bằng khoảng 27% và nhiệt độ tỏa ra bằng khoảng 60% Mặt trời của chúng ta.
Vì kích thước của ngôi sao mà Gliese 12b xoay quanh nhỏ hơn Mặt trời rất nhiều nên nó vẫn nằm trong vùng có thể sinh sống được quanh sao (Goldilock zone) cho dù một năm của nó chỉ kéo dài vỏn vẹn 12,8 ngày. Vùng có thể sinh sống quanh sao là thuật ngữ chỉ khoảng cách lý tưởng từ một hành tinh tới ngôi sao của nó, để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng.
Đặt ra giả định rằng Gliese 12b không có bầu khí quyển như ở Trái đất, các nhà khoa học đã tính toán và thấy rằng nhiệt độ bề mặt của nó vào khoảng 42 độ C.
“Chúng tôi đã tìm được một thế giới khác ở gần chúng ta nhất, với kích thước gần bằng Trái đất và, nhiệt độ ôn hòa nhất từ trước tới nay," Masayuki Kuzuhara, giáo sư tại Trung tâm Sinh học Vũ trụ ở Tokyo, cho biết trong một tuyên bố.
Đăng thảo luận