Có một điều mà người đàn ông 36 tuổi này quên không nhắc đến là sạt lở đất. Tại thị trấn ven hồ Talisay ở vùng đông bắc Philippines, 40.000 cư dân nơi đây chưa bao giờ trải qua sạt lở đất trong đời mình.
Nhưng sau khi rời nhà vào thứ Năm tuần trước để kiểm tra những lồng cá ở hồ Taal gần đó, một trận lở bùn, đá tảng và cây cối đổ từ sườn dốc cao đã tràn xuống, chôn vùi khoảng một chục ngôi nhà, bao gồm tổ ấm của gia đình anh Dejucos.
Talisay, cách thủ đô Manila khoảng 70 km về phía nam, là một trong số những thị trấn bị tàn phá bởi Trami, cơn bão gây chết chóc nhất trong số 11 cơn bão đã tấn công Philippines trong năm nay. Cơn bão này sau đó đổi hướng về phía Việt Nam qua Biển Đông, sau khi để khiến ít nhất 152 người thiệt mạng và mất tích ở Philippines. Hơn 5,9 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão ở các tỉnh miền bắc và miền trung Philippines.
Những chiếc quan tài trắng chứa thi thể nạn nhân vụ lở đất do bão Trami gây ra ở tỉnh Batangas của Philippines hôm 26/10. Ảnh: AP
“Vợ tôi đang cho đứa con mới 2 tháng tuổi bú”, anh Dejucos nói với hãng thông tấn AP vào thứ Bảy tại một phòng tập thể dục của xã, nơi đặt năm chiếc quan tài trắng của gia đình anh, nằm cạnh nhau cùng với hàng chục nạn nhân khác. “Các con tôi đang ôm nhau trên giường khi chúng tôi tìm thấy chúng”. “Tôi đã liên tục gọi tên vợ và các con mình. Vợ đâu rồi? Các con đâu rồi?”.
Di cư đến khu vực nguy hiểm
Nằm giữa Thái Bình Dương và Biển Đông, Philippines được coi là cửa ngõ đón khoảng 20 cơn bão mỗi năm, trong đó một số cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp, quét qua 7.600 hòn đảo. Sự kết hợp chết người giữa thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu và sự thiếu thốn về kinh tế buộc nhiều người dân phải sống và làm việc ở những khu vực từng bị cấm vì nguy hiểm.
Nhiều ngôi làng đã mọc lên trên sườn núi dễ sạt lở, trên sườn núi lửa đang hoạt động, trên đường đứt gãy động đất, dọc các bờ biển thường xuyên bị ngập do triều cường.
Thị trấn nghỉ mát Talisay đẹp như tranh vẽ nằm ở phía bắc của Taal, một trong 24 ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất của Philippines. Hàng ngàn người dân nghèo như anh Dejucos đổ về Talisay qua nhiều thập kỷ.
Ông Fernan Cosme (59 tuổi), một thành viên hội đồng làng, nói rằng, mối lo ngại chính luôn là núi lửa, vốn không yên tĩnh từ những năm 1500. Năm 2020, vụ phun trào của núi lửa Taal khiến hàng trăm ngàn người phải sơ tán và đẩy đám mây tro bụi đến tận Manila, khiến sân bay quốc tế chính phải đóng cửa.
Sau khi ly hôn anh thợ mộc Kervin de Torres, vợ cũ của anh mua nhà gần dãy núi Talisay, sống cùng con gái Kisha. Con gái anh đã ở trong ngôi nhà đó khi trận lở đất xảy ra. Anh Torres đã đưa ảnh con gái mình cho các sĩ quan cảnh sát, những người cuối tuần qua tìm kiếm hai người cuối cùng còn mất tích - Kisha và một em bé từ gia đình khác.
Ba giờ sau, một chiếc máy xúc đào lên những bộ đồng phục học sinh đang treo trên móc nhựa, ở vị trí mà Kisha được cho là đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Hàng chục cảnh sát và tình nguyện viên hì hục đào bằng xẻng đến khi thấy một bàn chân trong bùn. Anh Torres bật khóc khi thi thể của một cô bé được đặt vào một chiếc túi đựng xác màu đen. Anh gật đầu khi được hỏi liệu đó có phải là con gái mình không.
Doris Echin, một người mẹ 35 tuổi, cho biết cô suýt chết khi trận lở bùn tràn đến ngang eo cô khi lao ra khỏi túp lều, bế theo hai con gái. “Nếu di dời, chúng tôi đào đâu ra tiền để xây nhà mới? Ai sẽ là người thuê chúng tôi? Nếu có thể xây lại và ở lại đây, chúng tôi sẽ sống giữa một ngọn núi lửa và một ngọn núi sắp sụp đổ”, cô nói.
Xem nhiềuThế giới
Đại sứ Nga chỉ trích phương Tây xung quanh vấn đề binh lính Triều Tiên
Thế giới
Ngoại trưởng Nga – Triều Tiên hội đàm giữa lo ngại của phương Tây
Thế giới
Nơi cuối cùng quyết định kết quả bầu cử tổng thống Mỹ
Thế giới
Ông Trump cảnh báo châu Âu sẽ phải ‘trả giá đắt’
Người lính
Đăng thảo luận