Đồng thời, tạo thuận lợi cho DN tham gia thương mại điện tử toàn cầu, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuận lợi, cung cấp dữ liệu sản phẩm cho đối tác thương mại.

Minh bạch thông tin, yêu cầu bắt buộc khi hội nhập

Để quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mới đây, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ KH&CN đề xuất bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Ứng dụng công nghệ để minh bạch thông tin sản phẩm  第1张 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Theo Bộ KH&CN, ứng dụng công nghệ là một trong những biện pháp để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có ứng dụng mã số, mã vạch và ghi nhãn điện tử. Việc đưa mã số, mã vạch vào quản lý sản phẩm không chỉ là một giải pháp hiệu quả để bảo đảm chất lượng hàng hóa mà còn là xu hướng tất yếu trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.

Quy định về ghi nhãn điện tử là một cách hỗ trợ, bổ sung cho cách ghi nhãn bằng phương pháp vật lý truyền thống (dán, in, đính, đúc, chạm, khắc…) cho các nhà sản xuất truyền đạt thông tin, các nội dung bắt buộc theo quy định. Ghi nhãn điện tử cho phép một số nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa được tạo ra theo phương thức điện tử và hiển thị trên màn hình.

Đề xuất này của Bộ KH&CN đang nhận được quan tâm của nhiều chuyên gia, DN, nhà sản xuất. Đa phần các quan điểm đều đồng tình, vì giải pháp này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân.

 

Trong bối cảnh hiện nay, ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ giúp mang lại giá trị gia tăng cho DN, giúp DN tạo ra giá trị mới nhờ việc cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều quốc gia trên thế giới đã ứng dụng công nghệ, trong đó có mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ghi nhãn điện tử, giúp việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm. Từ đó, các bên tham gia trong chuỗi cung ứng có thể ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, triệu hồi sản phẩm, quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận vận chuyển.

Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quốc gia Hà Minh Hiệp cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra rất nhiều sản phẩm, mô hình kinh doanh mới đòi hỏi công tác quản lý chất lượng cũng phải thay đổi. Đặc biệt, việc Việt Nam tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là thuận lợi, song cũng là khó khăn. Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi phải có sự thay đổi trong chính sách.

“Nếu trước đây khi đề cập đến công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, thường nhắc đến vấn đề tiêu chuẩn sản phẩm, hàng hóa hoặc các bộ, ngành đưa ra những yêu cầu kỹ thuật đặc thù cũng như thông lệ quốc tế đặc thù. Thế nhưng hiện nay nếu đưa ra thông tin sản phẩm theo tiêu chuẩn nhưng không chứng minh được các công tác thử nghiệm, giám định, chứng nhận theo tiêu chuẩn đó thì quốc tế và khách hàng sẽ không tin” – ông Hà Minh Hiệp dẫn chứng.

Đồng tình với đề xuất trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một trong những điều kiện để sản phẩm có thể thâm nhập một số thị trường trên thế giới, bảo đảm chất lượng an toàn cho người sử dụng sản phẩm, phù hợp với điều kiện xuất nhập khẩu. Do đó, việc ứng dụng công nghệ là một trong những biện pháp tối ưu để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có ứng dụng mã số, mã vạch và ghi nhãn điện tử.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, mã số, mã vạch là yếu tố cơ bản liên kết thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm. Đây là công cụ phục vụ nhà sản xuất giám sát chất lượng sản phẩm, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm; người tiêu dùng tra cứu, tìm kiếm thông tin về chất lượng sản phẩm; tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý quá trình sản xuất và lưu thông sản phẩm.

Đặc biệt, mã số, mã vạch giúp thúc đẩy thương mại và hội nhập quốc tế thông qua việc tạo thuận lợi cho DN tham gia thương mại điện tử toàn cầu; giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuận lợi, cung cấp dữ liệu sản phẩm cho đối tác thương mại; tích hợp với dữ liệu hải quan và cơ quan thuế nhằm tạo thuận lợi cho khai báo, thông quan, tính thuế; hỗ trợ kiểm soát luồng hàng xuất nhập khẩu.

Nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử

Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và hợp quy, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Quốc gia Nghiêm Thanh Hải cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số mang lại giá trị gia tăng cho DN, giúp DN tạo ra giá trị mới nhờ việc cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề để có thể số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử.

Khi quy định rõ nội dung quản lý Nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sẽ giúp DN tăng cường truy xuất nguồn gốc theo sự phát triển của thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Đối với xuất khẩu hàng hóa, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. Trong thực tế, việc các DN Việt Nam thường bị treo thẻ vàng mỗi khi xuất khẩu sản phẩm thủy sản chính là tiếng chuông báo động cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi bổ sung quy định về đưa công nghệ vào khâu quản lý, giám sát sẽ làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN phức tạp thêm, tốn thêm chi phí, mất thêm thời gian. Nhưng việc áp dụng công nghệ số sẽ làm cho DN có ý thức hơn trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của họ, việc bảo đảm uy tín, chất lượng của DN nâng lên tầm cao mới. Đứng trên phương diện sản xuất, kinh doanh doanh, khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất sẽ giúp các DN giảm lao động, giảm chi phí và tăng độ tin cậy. Vì thế, xét tổng thể lâu dài, thì đây là biện pháp bền vững để sản xuất, kinh doanh, nâng tầm thương hiệu.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để tạo thuận lợi cho DN, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực để ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý, về lý thuyết, mã số mã vạch sẽ giúp người tiêu dùng truy xuất đến được kho dữ liệu mô tả thông tin về sản phẩm. Thế nhưng, với những thủ thuật làm nhái, làm giả tinh vi hiện nay, mã vạch cũng có thể bị sao chép giống y hệt. Gian thương có thể nhái mã số, mã vạch một cách dễ dàng khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt rõ bằng mắt thường. Để kiểm tra mã vạch sản phẩm người dùng hãy sử dụng các app chuyên dụng hoặc được nhà sản xuất đề xuất.

 

Mã số, mã vạch giúp thúc đẩy thương mại và hội nhập quốc tế thông qua việc tạo thuận lợi cho DN tham gia thương mại điện tử toàn cầu; giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuận lợi, cung cấp dữ liệu sản phẩm cho đối tác thương mại; tích hợp với dữ liệu hải quan và cơ quan thuế nhằm tạo thuận lợi cho khai báo, thông quan, tính thuế; hỗ trợ kiểm soát luồng hàng xuất nhập khẩu.

Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quốc gia Hà Minh Hiệp