Đạm Cà Mau góp 18% lượng xuất khẩu phân bón cả nước
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) cho biết, tháng 8/2024 doanh nghiệp sản xuất được 45.610 tấn Urê, giảm 47% so với tháng trước. Sản lượng tiêu thụ Urê trong tháng của doanh nghiệp cũng giảm 24%, còn 31.940 tấn, trong đó xuất khẩu đạt 16.160 tấn, giảm 16% so với tháng trước.
Về mảng NPK, tháng 8/2024 Phân bón Cà Mau sản xuất được 9.690 tấn, giảm 24% so với tháng 7/2024. Sản lượng tiêu thụ NPK trong tháng của doanh nghiệp đạt 2.370 tấn, giảm 17%.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, Phân bón Cà Mau sản xuất 634.560 tấn Urê, hoàn thành 71% kế hoạch năm. Lượng tiêu thụ Urê đạt 527.560 tấn, hoàn thành 70% kế hoạch năm 2024.
Trong đó, xuất khẩu phân bón Urê của DCM đạt 209.690 tấn, hoàn thành 93% kế hoạch cho năm 2024. Với lượng phân bón xuất khẩu này, Phân bón Cà Mau đã đóng góp 17,9% trong tổng lượng phân bón xuất khẩu của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024.
Về mảng NPK, lượng sản xuất và tiêu thụ của NPK 8 tháng đầu năm 2024 đạt lần lượt 119.540 tấn và 80.180 tấn, hoàn thành 66% và 44% kế hoạch năm.
Trong tháng 9/2024, Đạm Cà Mau lên kế hoạch sản xuất 67.410 tấn Urê và tiêu thụ 80.000 tấn Urê, lần lượt tăng 47% và 150% so với tháng 8/2024. Riêng xuất khẩu Urê, công ty thận trọng đặt mục tiêu ở mức 10.000 tấn, giảm 38% so với tháng trước.
Đối với mảng NPK, Đạm Cà Mau cũng đặt mục tiêu sản xuất 11.050 tấn và tiêu thụ 25.000 tấn trong tháng 9/2024, tăng 14% về lượng sản xuất và gấp 10 lần về lượng tiêu thụ so với tháng 8/2024.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, Phân bón Cà Mau sản xuất 634.560 tấn Urê, hoàn thành 71% kế hoạch năm. Lượng tiêu thụ Urê đạt 527.560 tấn, hoàn thành 70% kế hoạch năm 2024.
6 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau báo lãi sau thuế 919,4 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ và vượt 16% kế hoạch năm đề ra. Cụ thể: doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp đạt 6.607,4 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng vọt 40% lên 1.319 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp tăng 4% lên 20%.
Kết quả, Đạm Cà Mau báo lãi trước thuế 980,8 tỷ đồng 6 tháng đầu năm và lãi sau thuế 919,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 61% và 70% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu lãi sau thuế hợp nhất 794,8 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau vượt 16% kế hoạch năm.
Đạm Cà Mau góp 18% lượng xuất khẩu phân bón cả nước
Mặt bằng giá phân bón sẽ tăng trở lại
Theo đánh giá mới đây của SSI Research, nhu cầu phân bón trên toàn cầu trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ dần phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng El Nino trong năm 2023; qua đó, thúc đẩy mặt bằng giá phân bón tăng trở lại.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2024, cả nước xuất khẩu gần 1,17 triệu tấn phân bón các loại, tương đương trên 478,69 triệu USD, giá trung bình 410,8 USD/tấn, tăng 5,9% về khối lượng, tăng 6,4% về kim ngạch và tăng 0,5% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 8/2024, xuất khẩu 131.735 tấn phân bón các loại đạt 58,51 triệu USD, giá 444,2 USD/tấn, giảm 0,4% về khối lượng, giảm 0,5% kim ngạch và giảm 0,14% về giá so với tháng 7/2024. So với tháng 8/2023 cũng giảm 16,7% về lượng, giảm 0,6% kim ngạch nhưng tăng 19,2% về giá.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cũng dự kiến thị trường phân Urê thế giới sẽ sôi động hơn từ nửa cuối năm nay khi các nhà tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu.
Theo FAV, tỷ trọng xuất khẩu phân bón của Việt Nam ngày một tăng. Cách đây hai năm, chúng ta xuất đi dưới 1 tỷ USD. Từ năm 2022, chúng ta đã có bước đột phá khi xuất được 1,7 tỷ USD do một số nước hạn chế xuất khẩu phân bón.
Trong khi đó, Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) dự báo tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 192,5 triệu tấn.
Với thị trường phân bón thuận lợi, SSI Research dự phóng doanh thu năm 2024 của DCM tăng 11% so với cùng kỳ năm trước với 14.006 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng trưởng sản lượng và giá bán bình quân. Chi phí khấu hao giảm và thu nhập bất thường liên quan đến hoạt động mua lại Phân bón Hàn Việt sẽ giúp lợi nhuận của DCM phục hồi đáng kể trong năm 2024 với lãi ròng ước đạt 1.980 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.
Đạm Cà Mau cũng vừa ký thoả thuận hợp tác chiến lược với Samsung C&T - đơn vị thành viên của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) nhằm đẩy mạnh xuất khẩu phân bón. Samsung C&T hiện là một trong những doanh nghiệp kinh doanh phân bón lớn hàng đầu thế giới với sản lượng thương mại giai đoạn 2022 - 2023 từ 4 - 6 triệu tấn.
Hồi cuối tháng 5/2024, Đạm Cà Mau cũng làm việc với Ameropa AG (Thuỵ Sĩ) - công ty hàng đầu thế giới về kinh doanh phân bón, và loạt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón lớn tại Thái Lan, Campuchia, và Lào để thúc đẩy kinh doanh.
Sản phẩm của Đạm Cà Mau đến nay đã có mặt tại gần 20 quốc gia trên thế giới. Trong đó, công ty đang duy trì thị phần cao tại thị trường truyền thống Campuchia (hơn 60%), Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ, Brazil… Đồng thời, các dòng sản phẩm phân bón công nghệ cao phù hợp xu hướng xanh như OM CAMAU, DAP CAMAU, các dòng NPK CÀ MAU… xâm nhập, đáp ứng tốt yêu cầu các thị trường mới như Pháp, Peru, Mexico, Hoa Kỳ…
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, làm rõ hơn về chiến lược trong năm nay, ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau cho biết: Bức tranh nền kinh tế Việt Nam được dự báo khá lạc quan, có sự phục hồi mạnh mẽ hơn so với năm 2023. Đạm Cà Mau coi đây là năm then chốt để tăng tốc, ba mũi chiến lược chính gồm đầu tư, phát triển bền vững và chuyển đổi số.
Để tăng hiệu quả lợi nhuận, Đạm Cà Mau nghiên cứu đa dạng hóa nguyên liệu, nhiên liệu lẫn nhóm sản phẩm phân bón dựa trên tiềm lực sẵn có. Một số dòng phân bón được ông Thanh nhắc đến là sản phẩm hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh; kích thích sinh trưởng và phân bón lá; phân bón hòa tan.
Ngày 26/07/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chính thức phát lệnh khởi công xây dựng công trình Nhà máy Đạm Cà Mau. Ngày 09/03/2011, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau trực thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu 100% vốn chính thức thành lập để quản lý và vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau nằm trong khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận