Rác thải tràn ngập phố cổ sau đêm Trung thu. Clip: Trung Hiếu.
Tâm sự người dân và du khách đi chơi Trung thu muộn: “Cứ vài bước chân lại gặp một bãi rác lớn, phải bịt mũi khi đi qua”
Sau đêm Trung thu, nhiều tuyến phố cổ tại Hà Nội náo nhiệt, rực rỡ sắc màu lại rơi vào cảnh ngập trong “biển rác”. Mặc dù các thùng rác công cộng được đặt suốt dọc chiều dài mỗi tuyến phố, nhưng từ vỉa hè đến lòng đường, không khó để bắt gặp cảnh rác thải là các đồ chơi Trung thu, cốc nhựa, túi nilon và nhiều vật dụng khác xuất hiện dày đặc.
Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, vào 23 giờ 30 phút tối ngày 17/9, lượng người đổ về khu vực phố cổ Hà Nội rất lớn khiến tình trạng giao thông trở nên ùn tắc. Tới 1 giờ sáng ngày 18/9, số người qua lại khu vực này đã vãn bớt, các chủ cửa hàng bắt đầu dọn dẹp và đóng cửa, để lại những bãi rác chất thành từng đống trên đường phố.
23 giờ 30 phút đêm Trung thu, lượng người đổ về khu vực phố cổ vẫn rất lớn. Ảnh: Trung Hiếu.
1 giờ sáng ngày mới, tuyến phố Hàng Mã đã thưa người qua lại hơn so với vài tiếng trước. Ảnh: Trung Hiếu.
Có mặt tại tuyến phố Hàng Mã để chơi rằm Trung thu khi đã sang ngày mới được 1 canh giờ, bạn Đặng Quang Trung (18 tuổi, Cầu Giấy) chia sẻ: “Vì công việc của mình khá bận rộn nên mình đành chấp nhận phải đi chơi trung thu muộn. Đây là lần đầu tiên mình tới đây, tuy nhiên lên đến nơi thì mình cảm thấy rất sốc vì lượng rác thải trên vỉa hè và dưới lòng đường quá nhiều. Mình thấy còn một số cửa hàng bán đồ ăn vẫn mở cửa, trông khá ngon mắt nhưng vì mùi rác xung quanh bốc lên nồng nặc nên mình cũng chần chừ không mua”.
Cùng nhóm bạn 6 người tranh thủ đi một vòng quanh khu vực Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Lược để “tận hưởng nốt” không khí Trung thu năm nay, chị Lê Hà Phương (21 tuổi, Hai Bà Trưng) cho biết: “Nhóm của mình dự đoán nếu lên sớm thì sẽ rất đông người nên cố gắng đi muộn một chút. Khi trời muộn, đường đã vắng hơn nhiều và chúng mình có thể thoải mái quan sát được mọi thứ xung quanh, tuy nhiên đường phố ngập đầy rác, muốn tìm một góc chụp ảnh đẹp cũng rất khó vì cứ đi một vài bước chân là lại tới một bãi rác khác”.
Những chồng rác lớn nhỏ chất đầy trên vỉa hè tuyến phố Hàng Mã. Ảnh: Trung Hiếu.
Lấy tay che mũi khi đi qua những bãi rác lớn nhỏ trên đường, chị Phương nói: “Nơi nào cũng có rác, mùi hôi bốc lên nồng nặc, nhìn thấy nhiều người bán hàng hoặc người tới tham quan vứt ngay rác xuống chân mà không để đúng nơi quy định khiến mình cảm thấy khá buồn vì ý thức của mọi người chưa được cao”.
Tản bộ trên phố tuyến phố Hàng Mã để trải nghiệm không khí Trung thu tại Việt Nam suốt 4 tiếng đồng hồ, ông Daniel (du khách Mỹ) trò chuyện với phóng viên Dân Việt: “Tôi thấy các gian hàng bán những món đồ rất đẹp, không khí người dân tới tham quan nhộn nhịp, đông vui, tôi rất thích nên đã lấy máy quay ra quay lại để làm kỷ niệm”.
Có mặt ở đây từ sớm, ông Daniel ước tính số khách tới khu vực phố cổ tối Trung thu lên tới hơn 10.000 người. “Có rất nhiều rác trên đường phố, tôi ước gì không gian xung quanh đây sạch sẽ hơn, tôi không muốn nhìn thấy rác, nhưng vì quá đông người nên có vẻ đây là điều khó tránh khỏi”, ông Daniel bộc bạch.
Công nhân vệ sinh môi trường “gồng mình” dọn rác xuyên đêm
2 giờ 30 phút sáng, bà Nguyễn Minh Hà (48 tuổi, công nhân vệ sinh môi trường) đang tất bật quét, dọn rác thải dọc tuyến phố Hàng Mã. Tranh thủ uống ngụm nước để giải khát rồi lại vội vàng quay trở lại với công việc, bà Hà thở dài: “Lượng rác ngày hôm nay phải nhiều gấp 7 lần ngày thường. Chúng tôi phải huy động khoảng 20 nhân công để dọn dẹp quanh một số tuyến phố cổ trong đêm”.
Theo các công nhân vệ sinh môi trường, lượng rác đêm Trung thu nhiều gấp 7 lần so với ngày thường. Ảnh: Trung Hiếu.
Lần lượt khuân những túi rác lớn, nhỏ đã được gom lại trên vỉa hè, lòng đường để cho vào xe chở rác, bà Hà nói thêm: “Rác thải ngập ngụa trên đường từ đồ chơi đến túi ni lông, vỏ đồ ăn, nước uống, gỗ lạt, hộp xốp... Chúng tôi dọn từ 20 giờ tối tới tận bây giờ vẫn chưa xong, có lẽ phải tới 5 giờ sáng mới về nhà được. Rác thải lỉnh kỉnh khiến chúng tôi dọn dẹp rất vất vả”.
Đẩy chiếc xe chở rác đã chật kín đồ bên trong và cao ngang đầu người, ông Phùng Xuân Minh tâm sự: “Năm nào cũng vậy, lượng rác thải sau mỗi dịp lễ hội như thế này luôn rất lớn. Ngày thường, tôi chỉ làm 8 tiếng nhưng hôm nay tôi phải làm tới 24 tiếng. Dù vất vả nhưng vì tình yêu nghề và mong muốn đường phố sạch sẽ nên đã khiến tôi có thêm động lực làm việc và vơi bớt mệt mỏi”.
Những người công nhân vệ sinh môi trường chia sẻ, họ mong muốn người dân nâng cao ý thức trong việc vứt rác đúng nơi quy định. Ảnh: Trung Hiếu.
Khi được hỏi về mong muốn của bản thân, ông Minh, bà Hà hay những người công nhân vệ sinh môi trường khác đều bày tỏ chung một nguyện vọng: “Chúng tôi chỉ mong sao mỗi người dân khi đi chơi lễ hội hãy nâng cao ý thức, vứt rác đúng nơi quy định để môi trường được xanh, sạch, đẹp và công việc của chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn phần nào”.
Từng tiếng chổi tre vẫn đều đặn vang lên, bất kể đó là ngày thường hay lễ hội. Ngày lễ Trung thu năm nay, những chuyến xe chở rác của các công nhân vệ sinh môi trường vẫn trĩu nặng trong đêm. Họ lặng lẽ, miệt mài làm việc với hy vọng khi bước sang ngày mới, đường phố Thủ đô sẽ lại khoác lên mình diện mạo sạch, xanh, sáng, đẹp.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận