Tỷ lệ tội phạm mạng trên Telegram tăng cao
(Dân trí) - Một báo cáo từ Business World cho biết trong giai đoạn tháng 5-6 vừa qua, tỷ lệ tội phạm mạng hoạt động trên nền tảng Telegram đã tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự gia tăng trên cho thấy xu hướng ngày càng nhiều tội phạm mạng sử dụng Telegram cho các hoạt động phi pháp. Nền tảng nhắn tin này đã bị lạm dụng trở thành nơi để tin tặc mua bán, trao đổi cơ sở dữ liệu bị đánh cắp và giao dịch nhiều dịch vụ bất hợp pháp khác.
Hoạt động tội phạm mạng trên Telegram tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh: The420).
Các chuyên gia bảo mật tại Kaspersky nhận định rằng có nhiều yếu tố thúc đẩy Telegram trở thành nền tảng yêu thích của nhóm đối tượng tội phạm mạng. Trước tiên, đây là một nền tảng phổ biến với hơn 900 triệu người dùng hàng tháng.
"Telegram được quảng cáo là ứng dụng nhắn tin an toàn, độc lập và không thu thập dữ liệu của người dùng. Điều này mang lại cảm giác an toàn cho những người sử dụng.
Việc tìm kiếm và kết nối cộng đồng trên Telegram cũng tương đối dễ dàng. Những yếu tố này cho phép tội phạm mạng có thể nhanh chóng kết nối các kênh khác nhau, thu hút được lượng người quan tâm lớn", Alexey Bannikov, chuyên gia phân tích tại Kaspersky, chia sẻ.
Mới đây, tỷ phú Pavel Durov, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của nền tảng nhắn tin Telegram, đã bị bắt giữ tại sân bay Bourget, Pháp. Vị CEO đã đi từ Azerbaijan và bị bắt vào khoảng 20h ngày 24/8 (giờ địa phương).
Theo LCI, chính quyền Pháp đã ban hành lệnh bắt giữ doanh nhân công nghệ này sau cuộc điều tra sơ bộ. Các nhà chức trách Pháp cho rằng việc Telegram không kiểm duyệt đầy đủ, các công cụ mã hóa và cáo buộc thiếu hợp tác với cảnh sát có thể khiến Durov bị cáo buộc đồng lõa trong hoạt động buôn bán ma túy, tội ấu dâm và gian lận.
CEO Telegram Pavel Durov đã bị bắt giữ tại Pháp vào tối 24/8 (Ảnh: Gadgets 360).
Về phía Telegram, công ty này khẳng định CEO của họ không phải chịu trách nhiệm cho việc nền tảng này bị lạm dụng.
"Ông Pavel Durov không có gì phải che giấu và thường xuyên đi lại ở châu Âu. Thật vô lý khi tuyên bố một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm về việc nền tảng đó bị lạm dụng.
Gần một tỷ người dùng trên toàn cầu sử dụng Telegram làm phương tiện liên lạc và là nguồn thông tin quan trọng. Chúng tôi đang chờ đợi một giải pháp kịp thời cho vụ việc này", Telegram cho biết trong một tuyên bố mới nhất.
Telegram được Pavel Durov thành lập vào năm 2013. Đến nay, nền tảng này đã trở thành ứng dụng nhắn tin có tầm ảnh hưởng quan trọng tại nhiều quốc gia, chỉ xếp sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và WeChat. Telegram cũng đặt mục tiêu đạt một tỷ người dùng trong năm tới.
Theo Business World, Reuters
Đăng thảo luận