Tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng cao bất thường
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tỷ lệ thừa cân, béo phì hiện vẫn tăng cao bất chấp những khuyến cáo. Điều đó đa số bắt nguồn từ việc chúng ta không biết ăn sao cho vừa, tập sao cho hợp.
Phát biểu tại Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 3 diễn ra tại Hà Nội sáng 21/9 do báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đối với các gia đình các nạn nhân thương vong do ảnh hưởng của siêu bão Yagi (bão số 3).
Đồng thời, Thứ trưởng cũng chia sẻ với những thiệt hại to lớn về tài sản mà người dân phải gánh chịu trước sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão và mưa lũ, sạt lở.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại sự kiện (Ảnh: BTC).
Theo Thứ trưởng Thuấn, ngày nay, đời sống có nhiều cải thiện, chúng ta không lo chuyện đủ ăn nữa mà đang lo chuyện ăn sao cho vừa. Thực tế, tỷ lệ thừa cân, béo phì vẫn tăng cao bất chấp những khuyến cáo.
"Điều đó cũng đa số bắt nguồn từ việc không biết ăn sao cho vừa, tập sao cho hợp. Nói chính xác hơn là còn không ít người dân chưa quan tâm đến việc thực hành dinh dưỡng một cách khoa học và rèn luyện thể dục hợp lý", Thứ trưởng Thuấn phân tích.
Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2010, 2020 cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì tại nước ta đang gia tăng nhanh chóng. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì đã tăng từ 5,6% năm 2010 lên 11% năm 2020, tương tự ở trẻ 5-19 tuổi tăng từ 8,5% lên 19%, ở người trưởng thành tăng từ 12 lên 19,6%.
Có nhiều yếu tố góp phần dẫn đến trẻ bị thừa cân béo phì như trẻ bị giảm thời gian ngủ, ít vận động, dinh dưỡng kém chất lượng, bà mẹ bị béo phì trước khi sinh, yếu tố di truyền…
Vấn đề ở đây là thay đổi lối sống, môi trường sống, cần có cách tác động vào chính sách để giải quyết môi trường sống cho trẻ, làm thế nào để có khoảng không để trẻ tập thể dục thể thao. Bên cạnh đó, cần truyền thông để thay đổi dần thói quen sinh hoạt trong mỗi gia đình.
Thay đổi lối sống, chế độ ăn và hoạt động thể lực là nền tảng điều trị thừa cân, béo phì. Với người quá béo, một tháng không nên giảm quá 5kg, còn với những người BMI vượt qua 30 một chút thì hãy giảm dần dần. Đặc biệt, cần quan tâm giảm chu vi vòng eo hơn là chỉ giảm cân.
Đông đảo người dân tham gia hoạt động tư vấn dinh dưỡng (Ảnh: N.P).
Béo phì cũng rất dễ tái lại, vì thế luôn phải thực hiện chế độ ăn lành mạnh, vận động để kiểm soát cân nặng.
Vì thế, Thứ trưởng đánh giá cao những chương trình như Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam trong việc tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về dinh dưỡng khoa học, vận động lành mạnh.
Đăng thảo luận