Sông Hồng đoạn chảy vào nước ta bắt đầu từ tỉnh Lào Cai, chảy qua địa bàn các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, TP Hà Nội, rồi chảy về mạn hạ du các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định và đổ ra Biển Đông. Lịch sử hàng nghìn năm cho đến trước khi có hệ thống thủy điện Hòa Bình, sau này là Sơn La, Lai Châu (cắt lũ sông Đà), sông Hồng luôn được coi là dòng sông dữ mỗi mùa mưa lũ về, vì thế việc trị thủy dòng sông này luôn được quan tâm trong bất cứ giai đoạn nào.
Đối với hệ thống đê sông Hồng vốn được hình thành từ lâu và liên tục được Trung ương, các địa phương dành nguồn lực để đầu tư xây dựng. Hệ thống đê sông Hồng được chia thành hai bên, bên tả và bên hữu.
Người dân Hà Nội cũng đã quá quen thuộc khi hàng ngày di chuyển trên những con đường đê hai bên bờ sông Hồng như Âu Cơ- Nghi Tàm- Trần Nhật Duật (bên tả) hay trên các tuyến đê bên hữu thuộc quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Thế nhưng, chẳng ai mảy may nghĩ nó là… đê, mà chỉ nghĩ đó là đường, vì mặt nước sông Hồng nằm ở quá xa so với những tuyến đê này.
Mực nước lũ trên sông Hồng sáng 12/9 đạt mức trên báo động 2 khiến Hà Nội phải cấm các phương tiện lưu thông qua cầu Long Biên. Ảnh: Ngọc Hải
Hà Nội và miền Bắc đã lâu lắm rồi không có bão, lũ lớn, có chăng chỉ là vài cơn áp thấp nhỏ gây mưa, rồi lũ lên chưa đến báo động 1 đã rút. Sông Hồng đã có những thời kỳ rơi vào tình trạng khô hạn, mực nước sông xuống thấp đến nỗi, các tỉnh không đủ nước để lấy đổ ải, phải chờ thủy điện Sơn La, Hòa Bình xả lũ để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đến độ năm 2016, lần đầu tiên, Hà Nội có văn bản đề nghị xin được… hạ cốt đê (đoạn Âu Cơ- Nghi Tàm, gần khách sạn Thắng Lợi) xuống bằng mực nước báo động 2 để phát triển giao thông, tiện đi lại.
Đăng thảo luận