Tăng ca mệt lả, công nhân vẫn cố kiếm thêm thu nhập bù lúc giãn việc
(Dân trí) - Trong một năm khó khăn, thu nhập của lao động phổ thông giảm vì tình trạng giãn việc. Nhưng khảo sát chung thu nhập quý IV/2023 của người lao động tại TPHCM cho thấy mức trung bình tăng nhẹ, 1,9%.
Tối 4/1, chị Hường (ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) đang tăng ca thì mệt lả người, phải nghỉ giữa chừng và nhờ đồng nghiệp chở về nhà. Mấy hôm nay, sức khỏe của chị Hường không tốt vì tăng ca liên tục. Quản lý đề nghị chị suy nghĩ lại, đừng đăng ký tăng ca nhưng Hường không chịu.
Dù rất mệt nhưng chị Hường vẫn đăng ký tăng ca ở mức cao nhất cho phép để có thêm thu nhập. Cả năm nay giãn việc, thu nhập của gia đình chị giảm mạnh. Tháng cuối năm công ty có nhiều việc, chị tranh thủ làm để bù đắp, có tiền trả bớt công nợ, dư ít tiền tiêu tết.
Để có thu nhập cao, công nhân đều muốn có nhiều việc, được tăng ca (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).
Nhiều lao động phổ thông tại TPHCM cho biết thu nhập năm 2023 giảm vì công việc bấp bênh, lúc có lúc không. Công nhân nhà máy không bị mất việc cũng giảm thu nhập vì nhiều tháng liền giãn việc, không được tăng ca…
Năm 2023, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cũng đã khảo sát gần 11.000 lượt doanh nghiệp về kế hoạch sử dụng lao động.
Kết quả cho thấy có hơn 13% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã thực hiện kế hoạch cắt giảm lao động. Trong đó, hình thức cắt giảm phổ biến nhất là giảm giờ làm việc trong 1 ngày hoặc cho người lao động nghỉ luân phiên vào các ngày làm việc cuối tuần (chiếm gần 64% doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm lao động).
Ngoài ra, có gần 19% doanh nghiệp cắt giảm lao động bằng cách tạm thời cho người lao động nghỉ việc trong 1 khoảng thời gian nhất định.
Những hình thức cắt giảm lao động nói trên đều ảnh hưởng đến thu nhập thực tế hằng tháng của người lao động.
Những lao động bị cắt giảm thu nhập cũng không muốn đi tìm việc mới vì sợ mất đi công việc đang có. Nhìn chung, thu nhập của một bộ phận lao động phổ thông giảm rất đáng kể.
Báo cáo tình hình dân số, lao động việc làm quý IV và năm 2023 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy thu nhập bình quân của người lao động tại TPHCM tăng rất thấp, thuộc nhóm tăng trưởng thấp nhất cả nước.
Theo báo cáo trên, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý IV/2023 là 7,3 triệu đồng, tăng 180.000 đồng so với quý III/2023 và tăng 444.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung năm 2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459.000 đồng so với năm 2022.
So với quý trước và cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động quý IV/2023 tăng lên ở tất cả các vùng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng thu nhập ở các vùng kinh tế không đồng đều.
So sánh thu nhập bình quân của người lao động theo vùng kinh tế (Nguồn: Tổng cục Thống kê).
Trong đó, Đông Nam Bộ là vùng ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của lao động thấp nhất trong các vùng của cả nước. Còn TPHCM là một trong những địa phương có tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của lao động thấp nhất trong vùng.
Cụ thể, quý IV/2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ là 9 triệu đồng, tăng 2,3% (tương ứng tăng 202.000 đồng) so với quý trước và tăng 3,6% (tương ứng tăng 312.000 đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Tại TPHCM, quý IV/2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 9,4 triệu đồng, tăng 1,9% (tương ứng tăng 175.000 đồng) so với cùng kỳ năm trước. So với các địa phương khác trong vùng Đông Nam bộ, mức tăng này chỉ cao hơn Đồng Nai (tăng 138.000 đồng, tương ứng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước).
Trong khi đó, tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 8,7 triệu đồng, tăng 12,8%, tương ứng tăng 982.000 đồng so với cùng kỳ năm 2022; tại Bình Dương là 9,5 triệu đồng, tăng 6,4%, tương ứng tăng 567.000 đồng…
Đăng thảo luận