Quá trình bỏ phiếu bầu cử Mỹ năm nay được theo dõi tại vô số nơi trên thế giới và báo chí quốc tế cũng sôi động đưa tin.

Thế giới hồi hộp và phấn khích quan sát bầu cử Mỹ  第1张 Cuộc bỏ phiếu bầu cử Mỹ năm nay sẽ được theo dõi tại vô số sự kiện đêm bầu cử từ Brazil đến Ireland và từ Đức đến vùng Caribe.

Thế giới đang theo dõi xem cuộc đua giành chức tổng thống giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ diễn ra như thế nào, theo tờ The Hill.
Người dân khắp nơi quan sát
Theo The Guardian, từ Brazil đến Ireland và từ Đức đến vùng Caribe, vô số sự kiện đêm bầu cử được tổ chức để người dân theo dõi quá trình bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ năm nay.
Tại Giáo xứ St Ann (Jamaica) và đặc biệt tại thị trấn Browns (nơi cha của Phó Tổng thống Mỹ Harris được sinh ra, cũng là nơi bà dành thời thơ ấu ở đó), những người ủng hộ bà lên kế hoạch tổ chức tiệc theo dõi, tiệc rượu và các buổi tập hợp xã hội khác để theo dõi cuộc bầu cử.
"Tôi chắc chắn sẽ theo dõi cuộc bầu cử Mỹ và rất hồi hộp. Tôi đang mong đợi chiến thắng cho Harris vì cô ấy là một người mạnh mẽ. Tôi cầu nguyện rằng, vì lợi ích của nền dân chủ, bà ấy sẽ chiến thắng” - cư dân địa phương 74 tuổi tên Delroy Redway nói.
Người dân làng Thulasendrapuram (bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ), nơi ông nội của bà Harris sinh ra hơn một thế kỷ trước, cũng đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử Mỹ năm nay.
Những hoạt động chuẩn bị sôi nổi cho ngày bầu cử đã diễn ra từ lâu, với việc phụ nữ trong làng tạo ra những hình ảnh đầy màu sắc làm từ bột gạo, nhằm cầu xin phước lành của thần linh dành cho bà Harris trong cuộc bầu cử.
Tại Berlin, các cử tri Dân chủ sống ở nước ngoài tổ chức một đêm theo dõi bầu cử tại rạp chiếu phim Kino Babylon, với ca nhạc, vũ hội và bình luận trực tiếp diễn biến bầu cử.
Tại São Paulo (Brazil) - thành phố lớn nhất Mỹ Latinh, quán rượu Ailen được trang hoàng nhân dịp bầu cử Mỹ với cờ, bóng bay, ngôi sao,... đồng thời sẽ phục vụ thực đơn đa dạng gồm cá và khoai tây chiên, bánh burrito, bánh kebab,... để người dân đến vừa thưởng thức đồ ăn thức uống, vừa theo dõi cuộc đua Nhà Trắng.
Nhiều địa điểm khác ở các TP như Paris (Pháp), Dublin (Ireland),... cũng tổ chức các buổi tiệc để người dân đến theo dõi cuộc bầu cử Mỹ năm nay.
Báo chí quốc tế cũng theo dõi sát sao
Mặc dù chính sách đối ngoại không được coi trọng trong danh sách các ưu tiên thúc đẩy cử tri Mỹ đi bỏ phiếu, nhưng mối quan hệ giữa Mỹ với Israel và chính sách đối với cuộc chiến ở Gaza, leo thang xung đột ở Trung Đông và cuộc chiến ở Ukraine lại là những vấn đề nổi bật trong cuộc đua.
"Thế giới đang trông chờ vào nước Mỹ” là tiêu đề của tờ báo Ý nổi tiếng La Stampa vào ngày 5-11, tóm tắt nỗi lo lắng, mong đợi và sự thích thú trên toàn cầu đối với cuộc bầu cử.
Phóng viên về các vấn đề quốc tế Maciej Czarnecki của tờ báo Ba Lan Gazety Wyborczej ví von cuộc bầu cử Mỹ như một bộ phim truyền hình dài tập được chiếu 4 năm 1 lần.
Một nhà báo châu Âu đã tóm tắt về cách kết quả bầu cử sẽ được viết như sau: "Bất kỳ ai chiến thắng cũng sẽ là người mang tính lịch sử: phụ nữ da màu, gốc Nam Á đầu tiên, hoặc là người bị kết án đầu tiên [giữ chức tổng thống]", ám chỉ những rắc rối pháp lý của ông Trump.
Một số phóng viên nước ngoài không chỉ tập trung vào sự chia rẽ giữa ông Trump và bà Harris mà còn vào từng nhà lập pháp, vào thời điểm mà tính đảng phái ngày càng gia tăng đang tác động đến chính sách đối ngoại.
Thế giới hồi hộp và phấn khích quan sát bầu cử Mỹ  第2张
Nhân viên kiểm phiếu tại Trung tâm Baird ở TP Milwaukee (bang Wisconsin) ngày 5-11. 
Tờ Kyiv Post, một tờ báo tiếng Anh ở Ukraine, đã phân tích "năm ứng cử viên Cộng hòa thích hợp nhất và năm ứng cử viên Cộng hòa tệ nhất cho Ukraine” và dự đoán của tờ báo về chiến thắng của các ứng viên này trong cuộc đua vào Hạ viện.
Giống như châu Âu, châu Á cũng đang chuẩn bị cho những tác động nếu bà Harris hoặc ông Trump chiến thắng.
Ở Anh, cuộc bầu cử sẽ được đưa tin trên các nền tảng của đài BBC (gồm cả đài phát thanh BBC), cũng như các hãng thông tấn như ITV, Kênh 4, Sky News, The Guardian và nhiều kênh khác.
(Theo PLO)