Tại Việt Nam, nghề đánh giày vốn được xem là “nghề riêng” của những người nghèo, họ lang thang khắp các hàng quán để tìm khách hàng với thu nhập may mắn thì đủ ăn các bữa một ngày, xui thì bữa nhịn, bữa bánh mì sống qua ngày.
Ghi nhận tại một quán cà phê trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), thay vì mất thời gian chờ đợi thợ đánh giày truyền thống xuất hiện, chỉ mất vài thao tác trên một ứng dụng công nghệ có trên điện thoại, anh Nguyễn Minh Đức (quận Tây Hồ) đã nhanh chóng tìm được thợ đánh giày.
Theo tìm hiểu, ứng dụng công nghệ này mới xuất hiện ở Hà Nội trong vài tháng nay và hoạt động gần giống như các loại ứng dụng xe công nghệ. Khi khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ, thợ đánh giày sẽ nhận được đơn qua ứng dụng, Trong phạm vi 3km, ứng dụng sẽ hỗ trợ tìm khách cho thợ đánh giày. Giá dịch vụ cũng được thể hiện công khai trên ứng dụng.
Với ứng dụng công nghệ này, nghề đánh giày truyền thống được "nâng tầm", mang tính chuyên nghiệp hơn như người thợ sẽ mặc áo đồng phục, đeo thẻ nhân viên, sử dụng các dụng cụ chuyên dụng.
Hiện tại, giá cho một lần sử dụng dịch vụ đánh giày công nghệ từ 15.000 - 20.000 đồng, không khác nhiều so với đánh giày truyền thống. Ngoài dịch vụ đánh giày công nghệ, ứng dụng này còn cung cấp những dịch vụ vệ sinh đồ da như áo da, dép da, thắt lưng da, ghế da xe hơi....để người lao động có thêm thu nhập.
Anh Trần Bá Sĩ (tỉnh Thanh Hóa) một người thợ đánh giày lâu năm cho biết: "Trước đây, mưu sinh với nghề đánh giày truyền thống, thu nhập không ổn định, ngày ít, ngày nhiều cũng chỉ đủ ăn. Nhưng từ khi tiếp cận với ứng dụng đánh giày công nghệ, tôi nhận được nhiều khá nhiều đơn hàng, trung bình một ngày thu nhập khoảng 500.000-600.000 đồng".
Một vị khách trải nghiệm dịch vụ đánh giày qua ứng dụng công nghệ nhận xét, không phải quán cà phê nào cũng sẵn thợ đánh giày đứng chầu chực bên ngoài. Khi có nhu cầu, chỉ cần rút điện thoại và bấm vài thao tác, khoảng 5 phút là thợ đánh giày xuất hiện. Trong khi giá cả cũng rất hợp lý, không khác biệt nhiều so với đánh giày truyền thống.
Để hỗ trợ người lao động nghèo, công ty phát minh ra ứng dụng đã dành 500 bộ dụng cụ vệ sinh giày trị giá 450.000 đồng cho những người thợ giày đăng ký làm thành viên, trang bị đầy đủ áo đồng phục, ghế ngồi, khăn lau cho mỗi người. Anh Lê Văn Tân - CEO công ty triển khai ứng dụng này chia sẻ, dự định trong tương lai, công ty của anh sẽ định vị lại nghề đánh giày, nâng tầm trong thời đại 4.0 và phát triển thêm các dịch vụ mới trong ứng dụng để giúp người lao động nghèo có thu nhập ổn định hơn.
Cũng theo anh Tân, qua khảo sát nhiều thợ giày truyền thống lâu năm làm việc tại Hà Nội, trung bình mỗi người đánh được 10 - 20 đôi giày/ngày, có những ngày mưa có thể không kiếm được khách. Nhưng với ứng dụng đánh giày công nghệ, người lao động luôn tìm kiếm đơn hàng thông qua các hoạt động marketing, các chương trình khuyến mại. Trung bình, một người thợ đánh giày công nghệ kiếm được 30 - 40 đơn hàng/ngày.
Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghệ đối với lao động làm nghề đánh giày truyền thống còn khá mới mẻ và gặp nhiều khó khăn. Do vậy, anh Tân và những người đồng hành phải đi thuyết phục từng người thợ đánh giày truyền thống chuyển đổi sang mô hình đánh giày công nghệ, đồng thời làm những chương trình trải nghiệm dịch vụ miễn phí để khách hàng biết đến nhiều hơn.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận