Chủ tịch UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án tháo gỡ vướng mắc đối với dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng.
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đang rất được người dân trông chờ vận hành để giảm bớt ngập nước do triều cường gây ra - Ảnh: LÊ PHAN
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ tên đầy đủ là dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Đây là dự án kéo dài nhiều năm qua, TP.HCM và Trung ương đã có rất nhiều cuộc họp để tìm lối ra nhưng vẫn còn vướng.
Gần đây nhất Chính phủ đã lập tổ công tác đặc biệt để gỡ nhưng hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Trong đó phương thức thanh toán, cấp vốn cho dự án là điểm nghẽn nhất vì các quy định chồng chéo.
Không có vốn để hoàn thành công trình
Đây là một trong ba khó khăn lớn nhất mà lãnh đạo TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, vướng mắc trong việc huy động nguồn vốn thi công hoàn thành công trình xuất phát từ việc Ngân hàng BIDV không đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547. Từ đó không thể trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiến hành thu nợ tái cấp vốn với BIDV khoảng 3.560 tỉ đồng. Nên trong trường hợp được gia hạn, BIDV vẫn không thể tiếp tục giải ngân cho nhà đầu tư.
Trung Nam xin tự mua cát đắp nền để tái khởi động dự án ngăn triều 10.000 tỉĐỌC NGAY
UBND TP.HCM từng kiến nghị tổ công tác Chính phủ thống nhất phương án và xem xét trình Chính phủ ban hành nghị quyết để chấp thuận cho TP thực hiện ủy thác từ ngân sách cho HFIC. Từ đó HFIC cho nhà đầu tư vay thực hiện hoàn thành công trình. Tuy nhiên, Bộ Tài chính có ý kiến phương án kiến nghị của TP.HCM là chưa phù hợp.
Khó khăn thứ hai là chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi. Mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.
Trong trường hợp này, dự án trong quá trình thực hiện có khả năng phát sinh dẫn đến tổng mức đầu tư vượt trên 10.000 tỉ đồng.
Hiện nay, Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư không có quy định về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi.
Khó khăn tiếp theo là chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT. Nguyên nhân dự án thuộc trường hợp chuyển tiếp theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; nghị quyết số 98 năm 2023 của Quốc hội và nghị định số 35 năm 2021 của Chính phủ.
TP.HCM đề xuất các phương án gỡ vướng
Do tổng mức đầu tư dự án đã có sự thay đổi, thời gian thực hiện dự án đã hết, việc ký kết hợp đồng và thực hiện có một số thiếu sót. Để đảm bảo cơ sở pháp lý, cần triển khai thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án. Tuy nhiên, thực tế, thủ tục điều chỉnh tổng thể dự án rất phức tạp do quy định của pháp luật.
Đồng thời mất nhiều thời gian và cần thương thảo thống nhất với Ngân hàng BIDV và nhà đầu tư về cách tính lãi vay. Do đó, TP đề xuất thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án.
Cụ thể thực hiện đồng thời thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để làm cơ sở ký kết phụ lục hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán. Sau khi điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT thì dự án cơ bản khắc phục các thiếu sót nghị quyết số 40 năm 2021 của Chính phủ.
Đây chính là cơ sở để TP có thể bắt đầu thực hiện việc thanh toán bằng quỹ đất là các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT theo quy định hiện hành.
Có như vậy mới giải quyết được nguồn vốn cho nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công trình và giảm bớt chi phí phát sinh lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.
Những đề xuất này, Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM đã có tờ trình báo cáo, xin ý kiến và đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua.
Cống ngăn triều Mương Chuối, 1 trong 7 hạng mục cống lớn của dự án này - Ảnh: LÊ PHAN
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ quy mô ra sao?
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 gồm 7 hạng mục với 6 cống ngăn triều và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn.
Công trình này được triển khai với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho khu vực có diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn cùng trung tâm TP.HCM.
Đăng thảo luận