Theo các chuyên gia, hiện có quá nhiều thông tin tư vấn, cách thức tổ chức khá giống nhau khiến các em học sinh 'ngộp', thậm chí các em không biết tin ai. Do vậy rất cần chương trình tư vấn tuyển sinh chất lượng.
Toàn cảnh buổi tọa đàm đổi mới chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp chiều 14-9 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chiều 14-9, hội nghị tổng kết chương trình năm 2024 và tọa đàm đổi mới chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ và Trường đại học Công nghiệp TP.HCM phối hợp tổ chức, với sự tham dự của gần 50 chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng và THPT phía Nam.
Quá nhiều thông tin tư vấn khác nhau khiến học sinh chẳng biết tin ai
Theo nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, việc tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
"Càng bùng nổ thông tin càng phải tư vấn cho học sinh. Nếu không thì với lượng thông tin quá nhiều, quá nhiều kênh khác nhau với thông tin khác nhau khiến học sinh chẳng biết tin ai.
Mỗi khi đến mùa tuyển sinh, các nền tảng xuyên biên giới trên mạng xã hội với nhiều người bàn luận các ngành nghề, trong đó không ít người có ảnh hưởng nhất định cho rằng ngành này hết hot, ngành kia hot hơn…
Với sự đa dạng thông tin như vậy, nếu tư vấn tuyển sinh không tốt, vô hình trung chúng ta đẩy các bạn học sinh vào chỗ rất khó", ông Nguyên nhấn mạnh.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp báo Tuổi Trẻ: 'Bộ lọc thông tin' cho hàng triệu thí sinhĐỌC NGAY
Cũng theo nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ đã trải qua 22 năm, bối cảnh đã thay đổi, từ chỗ ngày xưa thiếu thông tin thì nay quá dư thừa thông tin.
Từ chỗ công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông gần như chưa có, thì nay đã có hẳn thời lượng bắt buộc cho công tác hướng nghiệp, đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp và nội dung hướng nghiệp.
Rồi triết lý, nội dung và phương pháp giáo dục cũng đã thay đổi, nhất là 10 năm qua, kể từ khi có nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Và nhất là quy trình, cách thức tuyển sinh đại học đã không còn như trước đây...
Đó là những lý do báo Tuổi Trẻ quyết định tổ chức tọa đàm về đổi mới chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại cả 2 đầu của đất nước.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - nguyên quyền hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP.HCM - đề nghị cần mở rộng chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại các địa phương vùng sâu, vùng xa - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chương trình tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ đã có nhiều tác động tích cực
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - đánh giá chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ được tổ chức bài bản, quy mô lớn, phạm vi rộng khắp và có tác động rất mạnh mẽ.
Chương trình đã tác động tích cực cả về mặt truyền thông chính sách, cũng như tiếp nhận phản hồi từ nhiều kênh trên toàn xã hội với rất nhiều đối tượng liên quan, giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo làm tốt hơn công tác hoạch định chính sách và đổi mới.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - đánh giá cao chất lượng chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tác động của chương trình đối với thí sinh, phụ huynh cũng rất lớn. Nhiều thầy cô đã đồng hành cùng chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp rất nhiều năm.
"Chúng tôi ghi nhận những đóng góp rất lớn của báo Tuổi Trẻ, cùng với sự góp sức của các thầy cô, chuyên gia để có chương trình ý nghĩa, có lợi cho các bên liên quan. Các nội dung chúng ta mong chờ ở tọa đàm này để có cách thức tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp hiệu quả hơn", bà Thủy nói.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cũng đánh giá chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ đã làm cầu nối tốt giữa học sinh, phụ huynh với ngành giáo dục. Qua chương trình đã giúp các em học sinh chọn được ngành học phù hợp hơn.
Điều lo lắng nhất là năm nay là năm đầu tiên có nhiều nội dung mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngành giáo dục TP.HCM nắm được các tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh với nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh đại học.
"Trong khi đang có quá nhiều thông tin tư vấn tuyển sinh khiến các em ngộp, và cách thức tổ chức khá giống nhau làm các em nhàm chán. Do vậy rất cần sự thay đổi, đổi mới hoạt động tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp", ông Quốc nói.
Thầy Nguyễn Phúc Viễn - hiệu trưởng THPT Chợ Gạo, Tiền Giang - trao đổi tại tọa đàm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Phạm Anh Thắng, phó chánh văn phòng, trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP.HCM trao đổi tại tọa đàm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cần đổi mới mạnh mẽ chương trình tư vấn
GS.TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cũng cho rằng tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh rất hay và vô cùng cần thiết. Đây là năm đầu tiên có phương thức thi tốt nghiệp THPT mới, nên cần có định hướng sớm cho học sinh.
Các trường đại học cũng đang vận hành điều chỉnh phương án, phương thức tuyển sinh theo phương thức thi tốt nghiệp THPT mới.
"Thành công của chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp báo Tuổi Trẻ tổ chức hơn 20 năm qua rất đáng trân quý, nhưng với nhu cầu mới của các em học sinh và tất cả những đòi hỏi của công nghệ cần đổi mới mạnh mẽ chương trình để đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh là vô cùng cần thiết", ông Sơn nhấn mạnh.
Đăng thảo luận