Chính phủ mong muốn thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình một kỳ họp vào Kỳ họp thứ 8 này nhưng cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng khó đảm bảo...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Chiều 21-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Đề nghị thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8
Bộ trưởng Công Thương cho hay sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, đến giai đoạn hiện nay, vẫn còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định của Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn.
Đó là quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Cùng với đó là chính sách quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Theo Bộ trưởng Công Thương, dự thảo Luật do Chính phủ trình đã bám sát vào 6 chính sách nêu trên. Các điều kiện về đảm bảo thi hành Luật Điện lực (sửa đổi) sau khi thông qua đã được Chính phủ đánh giá.
Theo đó, đã dự kiến các cơ quan có trách nhiệm triển khai Luật, nguồn kinh phí, nguồn nhân lực và cách thức để triển khai, do đó cơ bản đảm bảo điều kiện để thực thi Luật Điện lực (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua.
"Đứng trước yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; đòi hỏi của thực tiễn nhằm khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực năm 2004, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cần sớm hoàn thiện và ban hành Luật Điện lực sửa đổi sớm nhất có thể để triển khai trong thực tiễn. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình một kỳ họp” - Bộ trưởng Hồng Diên nhấn mạnh.
Khó đảm bảo yêu cầu chất lượng nếu thông qua ngay
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Ủy ban KHCN&MT) của Quốc hội, cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi); hồ sơ dự án luật cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Tuy nhiên, về đề nghị của Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình một kỳ họp vào Kỳ họp thứ 8, ông Huy cho biết đa số thành viên Ủy ban KHCN&MT và một số Ủy ban của Quốc hội cho rằng đó là mục tiêu rất cao, rất thách thức, không đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Vì phạm vi sửa đổi tổng thể, toàn diện bao gồm 6 nhóm chính sách, thể hiện trong 130 điều, nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, phạm vi tác động rộng khắp, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, đề nghị thông qua Luật tại hai kỳ họp. Theo đó, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, tức là vào tháng 5-2025.
"Trong trường hợp phạm vi sửa đổi chỉ tập trung vào những vấn đề cấp thiết, đã chín, đã rõ; chỉ luật hóa các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Đồng thời, dự án Luật được chuẩn bị tốt, giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan; quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban KHCN&MT kiến nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp” - ông Huy nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đề cập vấn đề phát triển điện hạt nhân
Điểm mới tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là đề cập tới phát triển điện hạt nhân. Theo đó, Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, do đây là dự án quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia.
Việc đầu tư xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động, cũng như đảm bảo an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử, các quy định liên quan.
Dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng nhằm đảm bảo an toàn cao nhất. Bên cạnh đó, tuỳ thuộc tình hình kinh tế, xã hội từng thời kỳ, dự thảo luật quy định Thủ tướng sẽ quy định cơ chế đặc thù, để triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân. Quy hoạch loại nguồn điện này là một phần gắn liền, đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, để đảm bảo mục tiêu an ninh cung cấp điện.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban KHCN&MT cho rằng chính sách phát triển điện hạt nhân là vấn đề mới được nêu tại dự thảo luật. Do đó, cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định quy định nội dung này và mức độ quy định trong dự thảo luật với phát triển điện hạt nhân.
Cùng với đó, theo cơ quan thẩm tra, việc dự thảo đưa ra nội dung Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân là không phù hợp về thẩm quyền, theo Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp.
(Theo PLO)
Đăng thảo luận