Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu thực tế xưa nay hàm lượng hỗ trợ về kiến tạo bị nhẹ hơn so với yêu cầu quản lý, nên luật làm một hồi là tắc nghẹt hết tất cả.
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: Media Quốc hội
Sáng 10-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một luật sửa đổi, bổ sung bốn luật liên quan tới đầu tư gồm Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Đấu thầu.
Nếu không tách thu hồi đất ra thì đường sắt rất khó khăn
Phát biểu tiếp thu tại đây, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ quan điểm việc xây dựng pháp luật, xây dựng hành lang pháp lý không chỉ để quản lý mà còn kiến tạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
"Xưa nay hàm lượng hỗ trợ về kiến tạo bị nhẹ hơn so với yêu cầu quản lý, cho nên đạo luật của chúng ta làm một hồi là tắc nghẹt hết tất cả.
Sửa đổi luật, xử lý nghiêm hành vi gian lận và lừa đảo chứng khoánĐỌC NGAY
Đến bây giờ chúng ta bắt đầu có tư duy mới và Quốc hội đã đồng hành với Chính phủ về quan điểm này. Đây là điều rất mừng và để tháo gỡ khó khăn của thực tiễn", ông Bình nói.
Ông dẫn chứng như việc tách dự án giải phóng mặt bằng, thu hồi đất ra khỏi dự án đầu tư công, dù thí điểm nhưng mới chỉ có một địa phương thực hiện là Khánh Hòa. Vì vậy, việc đánh giá một địa phương dẫn đến tính điển hình chưa thể bao quát được cả nước.
Phó thủ tướng chỉ rõ khi họp Ban Chấp hành Trung ương, tất cả các bí thư đều nói đến câu chuyện phải tách ra.
Đồng thời, Chính phủ đặt ra câu chuyện này để mở đường cho đường sắt với một số việc khác. "Nếu không tách thu hồi đất ra thì đường sắt rất khó khăn, làm xong Hà Nội, Vinh hay Nha Trang, TP.HCM thì đoạn ở giữa nằm trong quy hoạch lên ào ào", ông Bình nêu.
Đặc biệt là cần thiết kế quy trình nhanh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh việc đang đổi mới tư duy làm luật.
"Xưa nay chúng ta tập trung vào quản lý và bây giờ sang cả phần kiến tạo cho phát triển, mở ra một số vấn đề cho phát triển.
Thứ hai, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm rất nhiều. Thứ ba là phân cấp, phân quyền mạnh và dựa trên cơ chế kiểm tra, giám sát và tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. Thứ tư là tập trung vào những vấn đề cốt lõi, cấp bách, quan trọng, cần thiết làm sớm.
Đó là nguyên tắc chung chúng tôi thống nhất như vậy", ông Dũng nêu rõ.
Về Luật Đấu thầu, dự luật đề xuất sửa đổi quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc, nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đáp ứng chất lượng và yêu cầu phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Giải trình thêm nội dung này, Bộ trưởng Dũng nói về mua sắm của các bệnh viện hiện nay đấu thầu chuyển tiếp nhiều lần nên đề xuất trên là của Bộ Y tế.
"Đây là xuất phát từ thực tế của các bệnh viện, không thể một lần mà phải nhiều lần và phụ thuộc vào nhu cầu khám, chữa bệnh", ông Dũng nêu rõ.
Tại dự thảo Luật Đầu tư đề xuất dự án tại khu công nghiệp được hưởng "cơ chế luồng xanh", tức không phải thực hiện thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng đặc biệt ở đây là cần thiết kế quy trình nhanh, chứ không có nghĩa chỉ rút gọn về thời gian, thủ tục.
Ông Định chỉ rõ nhà đầu tư chỉ cần một bộ hồ sơ xin cấp phép cho tất cả lĩnh vực môi trường, phòng cháy chữa cháy... chứ không phải mỗi khía cạnh lại một hồ sơ thì tới 2-3 năm là phải.
Đầu mối tiếp nhận, xử lý hồ sơ, theo ông cần thu về một mối, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các bộ chuyên ngành khác như thế nào để 20-30 ngày phải trả lời.
"Có như vậy mới đặc biệt. Nếu thủ tục như hiện nay, gộp bước nọ, gộp bước kia tôi thấy chưa phải đặc biệt và chưa thể nhanh được", ông Định nói thêm.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói "một số quy định sửa tại Luật Đầu tư có cải tiến rất mạnh".
Ông nói ngoài nội dung tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo còn đề xuất tất cả dự án thuộc mọi lĩnh vực đầu tư tại khu công nghiệp, chứ không riêng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, được hưởng "cơ chế luồng xanh".
Tức là khi nhà đầu tư đăng ký, họ được xem xét cấp phép trong 15 ngày. Sau đó, họ không phải thực hiện các thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, mà triển khai ngay dự án.
"Chúng tôi mong lần này cải cách mạnh thì các dự án trong khu công nghiệp, tức đã xác định rõ quy hoạch, môi trường, hạ tầng, được thực hiện cơ chế luồng xanh, thủ tục đặc biệt", ông Dũng nói.
Đăng thảo luận