Ngày 23-9 tại New York (Mỹ), Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có các cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy và Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Ahmed Attaf.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao, các cuộc tiếp xúc diễn ra vào ngày 23-9, nhân dịp Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai và Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79 tại New York, Mỹ.
Tại cuộc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn Anh đã hỗ trợ 1 triệu bảng Anh để giúp nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (bão Yagi).
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao việc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; cho biết vào tháng 6-2024, Việt Nam đã phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Anh.
Ông Bùi Thanh Sơn đánh giá cao vai trò điều phối của Anh trong khuôn khổ Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và đề nghị Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực được công bố tại COP28; bày tỏ với vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN - Anh, Việt Nam sẽ cùng Anh thúc đẩy làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác ASEAN - Anh.
Kinh tế là điểm sáng trong 50 năm quan hệ Việt - Anh
Bộ trưởng David Lammy khẳng định Anh coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam; sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững; đề nghị hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh và trong các vấn đề di cư, quản lý xuất nhập cảnh.
Hai bộ trưởng nhất trí tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt - Anh, tranh thủ tối đa các cơ hội từ Hiệp định CPTPP nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư song phương; hoan nghênh những tiến triển tích cực trong quan hệ đối tác ASEAN - Anh thời gian qua; khẳng định ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định, tự do an ninh hàng hải, hàng không, giải quyết các vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Ahmed Attaf, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn, phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên Hiệp Quốc và Phong trào Không liên kết; đề nghị Algeria tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh.
Bộ trưởng Ahmed Attaf bày tỏ ngưỡng mộ các nhà lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; chia sẻ ý kiến của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về việc hai bên cần tăng cường quan hệ hợp tác chính trị tốt đẹp cũng như mở rộng, làm sâu sắc hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, năng lượng, dầu khí, giao lưu nhân dân; mong muốn thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Malawi
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Malawi Nancy Tempo bày tỏ vui mừng về việc hai nước chính thức ký Thông cáo chung về thiết lập quan hệ ngoại giao - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Cũng trong ngày 23-9, ở Trụ sở Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc tại New York, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Malawi Nancy Tempo chứng kiến lễ ký Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao.
Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Malawi, ta đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia.
Tại cuộc gặp sau lễ ký, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định đây là một cột mốc lịch sử trong quan hệ giữa hai nước; đề nghị hai bên triển khai các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương trên các kênh để tăng cường sự hiểu biết, tin cậy chính trị và mở rộng cơ hội hợp tác.
Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển với Malawi, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam như phát triển kinh tế, đổi mới và hội nhập, nông nghiệp, thủy sản, giáo dục, đồng thời sẵn sàng phối hợp với Malawi tìm kiếm nguồn tài trợ từ bên thứ ba (như FAO, EU…) cho các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp ba bên tại Malawi.
Bộ trưởng Ngoại giao Malawi Nancy Tempo nhất trí đánh giá quan hệ song phương đã chính thức bước sang trang mới; bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực với Việt Nam.
Malawi là quốc gia nằm ở Nam phần châu Phi, phía tây giáp Zambia, phía đông nam giáp Mozambique, phía đông bắc giáp Tanzania; có diện tích 118.484km², dân số 23,38 triệu người (năm 2024), GDP 11,24 tỉ USD (2024).
Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Malawi, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước châu Phi và tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới.
Đăng thảo luận
2024-12-02 14:45:23 · 来自222.33.160.57回复
2024-12-02 14:55:20 · 来自121.77.171.240回复
2024-12-02 15:05:15 · 来自36.61.250.225回复