Nợ thuế, ra sân bay mới biết bị tạm hoãn xuất cảnh, đa phần các đương sự liên quan đều muốn nộp ngay và được hủy bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh. Thế nhưng, dù có 'alô' cho người thân gấp rút nộp thuế cũng không thể lên máy bay.
Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục về thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Theo nghị định 126, thủ tục hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh chỉ được ban hành trong "chậm nhất 24 giờ" kể từ khi người đó hoàn thành nghĩa vụ thuế. Tức là dù có nộp ngay, đương sự cũng phải xách va ly đi về vì máy bay đã cất cánh.
Phần lớn người đi máy bay chỉ đến sân bay tối đa ba giờ trước giờ khởi hành. Làm thủ tục gửi hành lý, thủ tục xuất cảnh mới biết có nợ thuế, đâu có đủ thời gian để cơ quan thuế ra quyết định hủy tạm hoãn xuất cảnh! Trong khi pháp luật quy định người ra quyết định hoãn xuất cảnh cũng là người hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Việc này mới căng!
Nếu theo trình tự thủ tục thế này thì quy trình chế tài người nợ thuế không thể giúp người vừa hoàn thành nghĩa vụ thuế được xuất cảnh tiếp tục hành trình. Người dân, doanh nghiệp kêu là ở chỗ này. Và càng thấy không hài lòng hơn nữa là số tiền nợ thuế không quá lớn, lý do nợ thuế nhiều khi cũng "khách quan" nên không tâm phục khẩu phục việc tạm hoãn xuất cảnh. Thiệt hại do việc tạm hoãn xuất cảnh quá lớn so với số thuế đã nợ.
Giải quyết sao đây, nhất là những người nợ món tiền nhỏ, có thể nộp ngay? Mới đây một lãnh đạo của Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế nói rằng phải sửa từ luật. Luật chỉ quy định chung nợ thuế, không định lượng số thuế nợ là bao nhiêu, tức là "nợ một đồng" cũng bị chế tài.
Giờ trong thực tế người dân, doanh nghiệp phản ảnh biện pháp chế tài này chưa linh hoạt, chung "cá mè một lứa" (không phân biệt số tiền nợ, người đi công tác hay định cư, người Việt định cư ở nước ngoài khi xuất cảnh...), không có hướng mở cho người đã khắc phục.
TIN LIÊN QUANSố người bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế tăng chóng mặt, lên đến hơn 23.700 người
Vì sao người bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế tăng vọt?
Chờ đến khi sửa luật thì e rằng lời ta thán sẽ tăng lên, mất đi ý nghĩa giáo dục về nghĩa vụ thuế bởi ngoài cảnh tỉnh người dân, doanh nghiệp phải chấp hành nghĩa vụ thuế, còn phải có tính giáo dục, thuyết phục, không thể phạt, chế tài "cho chừa". Vì vậy, cần linh hoạt và có giải pháp mềm cho câu chuyện chế tài nợ thuế.
Trên tinh thần này, đề xuất cho nộp nợ thuế tại sân bay nếu số nợ nhỏ, giả dụ dưới 200 triệu, là một giải pháp hay. Nhưng để giải pháp này được thực thi, rõ ràng cần phải có sự linh hoạt về thủ tục, ví dụ như người nợ từ 200 triệu trở xuống đã nộp thuế ngay tại sân bay và đương nhiên lệnh tạm hoãn xuất cảnh hết hiệu lực, họ tiếp tục hành trình.
Còn nếu cứ cứng nhắc "ai trói người đó mở", tức người ký quyết định tạm hoãn xuất cảnh cũng là người ký hủy hoặc không ủy quyền cho đơn vị khác thu nợ thuế, thì người nộp thuế nói chung và người có nợ thuế vì lý do khách quan nói riêng sẽ chưa tâm phục khẩu phục.
1.844 tỉ đồng
Đó là số tiền thuế đã thu được từ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, tính từ cuối năm 2023 đến tháng 9-2024. Chín tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tổng số tiền thuế nợ là 50.665 tỉ đồng.
Nghiên cứu và đề xuất ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh
Về việc nhiều người nộp thuế lo lắng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, Tổng cục Thuế cho rằng trong quá trình triển khai, ngành thuế đã tiếp nhận được phản ảnh của doanh nghiệp và người nộp thuế về những bất cập khi triển khai biện pháp này.
Từ thực tiễn này, Tổng cục Thuế cho rằng việc xem xét đối tượng nào thực sự là người chịu trách nhiệm với khoản nợ, là người đại diện pháp luật hay người chủ sở hữu hoặc người nắm giữ cổ phần... là nội dung cần được cân nhắc, nghiên cứu.
Tổng cục Thuế cho rằng sẽ xem xét các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh tại Luật Quản lý thuế và nghị định số 126 cùng các quy định pháp luật liên quan để vừa đảm bảo tính công bằng cũng như vừa đảm bảo hỗ trợ người nộp thuế khó khăn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đăng thảo luận