Kết nối ví điện tử, thẻ tín dụng
Ngày 30/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 119/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
Đáng chú ý, hiện nay, tài khoản thu phí không dừng đang bao gồm 3 thông tin: phương tiện, chủ phương tiện và tiền. Nhưng từ ngày 1/10/2024, tài khoản thu phí không dừng được tách thành tài khoản giao thông và phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong đó, tài khoản giao thông là tài khoản không có tiền, chỉ bao gồm các thông tin để xác định đối tượng thanh toán, số tiền phải thanh toán. Để thực hiện thanh toán, tài khoản giao thông phải được kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt như ví điện tử, thẻ tín dụng.
Theo ông Tô Nam Toàn - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam, hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí đường bộ hiện nay là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và Công ty CP Giao thông số VDTC vẫn quản lý trực tiếp tài khoản giao thông. Nhưng tài khoản giao thông sẽ được đồng bộ lên Trung tâm dữ liệu thanh toán điện tử đường bộ của Bộ GTVT.
Để chuyển tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông và có thể thanh toán điện tử trong giao thông, chủ phương tiện cần khai báo với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử một phương tiện thanh toán như ví điện tử hoặc thẻ tín dụng. Khi phương tiện thanh toán được kết nối, tiền trong tài khoản thu phí sẽ được chuyển sang phương tiện thanh toán và tài khoản thu phí sẽ thành tài khoản giao thông.
Về lí do tài khoản giao thông chỉ kết nối với ví điện tử hoặc thẻ tín dụng chứ không đề cập đến tài khoản ngân hàng, ông Tô Nam Toàn cho biết, tài khoản ngân hàng không phải là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà là một ủy nhiệm chi. Kết nối giữa tài khoản giao thông với tài khoản ngân hàng sẽ thông qua một ủy nhiệm chi.
Theo đó, ngân hàng sẽ thanh toán từ tài khoản của chủ phương tiện cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Trên phần mềm của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử sẽ cho phép chủ xe được lựa chọn trả tiền từ nhiều phương tiện thanh toán như: ví điện tử, ủy nhiệm chi từ ngân hàng hay thẻ tín dụng. Như vậy, quy trình thanh toán sẽ có thêm bên thứ 3 là trung gian thanh toán.
Từ ngày 1/10/2024 - 1/10/2025 chủ phương tiện phải chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông và kết nối phương tiện thanh toán.Về dữ liệu cá nhân, thông tin tài khoản giao thông do Bộ GTVT quản lý sẽ chỉ được chia sẻ cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử khi có sự đồng ý của chủ phương tiện.
Về sau, khi chủ phương tiện muốn sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử trả phí đỗ xe tại nội đô hoặc gửi xe tại sân bay… sẽ yêu cầu Bộ GTVT cung cấp thông tin tài khoản giao thông cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Yêu cầu cung cấp được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ GTVT.
Thời hạn chuyển đổi 1 năm
Trong chương trình chuyển đổi số vừa được ban hành, Bộ GTVT đưa ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% các tuyến đường bộ cao tốc triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh, thu phí điện tử không dừng được triển khai tại tất cả trạm thu phí, tiến tới xóa bỏ thu phí bằng tiền mặt.
Giai đoạn đến năm 2030 xóa bỏ các giao dịch sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao thông vận tải; 100% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán cho các dịch vụ giao thông đường bộ.
Về Nghị định 119/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, theo lộ trình, trong vòng 1 năm kể từ ngày 1/10/2024 - 1/10/2025 chủ phương tiện phải chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán.
Vị đại diện Cục đường bộ Việt Nam cho biết thêm, hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư bao gồm nhiều dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT như: dữ liệu về tài khoản giao thông, quản lý các giao dịch, quản lý lưu lượng xe qua trạm. Đặc biệt, có thể xử lý vi phạm của nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
Đây là một điểm mới vì trước đây khi nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC vi phạm, sẽ không dừng hoạt động của đơn vị cung cấp do ảnh hưởng đến lưu thông của chủ phương tiện. Tuy nhiên khi có Trung tâm dữ liệu, nếu nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC vi phạm bị dừng hoạt động, bản sao tài khoản giao thông sẽ được chuyển cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử khác để tiếp tục cung cấp dịch vụ.
“Thủ tục chuyển đổi tài khoản giao thông của nhà cung cấp dịch vụ thực hiện rất đơn giản trên hệ thống phần mềm của Bộ GTVT. Đây cũng là ưu điểm của việc mở rộng nhà cung cấp dịch vụ, đảm bảo tính cạnh tranh” – ông Tô Nam Toàn nhận định.
Theo chuyên gia giao thông, thạc sỹ Đỗ Cao Phan, nước ta hiện có hơn 5,6 triệu phương tiện dán thẻ thu phí không dừng, chiếm tới 97% lượng xe lưu thông. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đã thí điểm thanh toán điện tử trong trông giữ xe nội đô, thu phí đỗ xe tại các sân bay lớn.
Quá trình triển khai thu phí không dùng tiền mặt đã cho kết quả khả quan, nhưng còn vướng mắc do thu phí không dừng mới áp dụng với cao tốc, chưa áp dụng với các dịch vụ trông giữ xe. Vì vậy, khi dùng chung một tài khoản giao thông cho những dịch vụ này thì những hạn chế đó sẽ sớm được khắc phục. Phía các đơn vị cung cấp dịch vụ như VETC, VDTC cũng đồng quan điểm trên.
Trong thời gian tới, các chủ phương tiện cần phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện thủ tục chuyển đổi tài khoản thu phí đang sử dụng thành tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, tạo điều kiện cho dịch vụ mới được triển khai nhanh chóng.
Đăng thảo luận