Người đàn ông 6 năm liền "hì hục" tăng ca được... 2,8 triệu đồng

(Dân trí) - Cho rằng công ty không trả tiền lương tăng ca từ năm 2016 nhưng ông Lộc không khiếu nại gì do sợ ảnh hưởng công việc. Khi người đàn ông này kiện đòi tiền thì thời hiệu xử lý không còn.

Hòa giải xong rồi... bùng kèo

Năm 2005, ông Linh Quốc Lộc (39 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) bắt đầu làm việc tại công ty TNHH Sơn Phong. Ngày 1/8/2007, nam lao động và công ty giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Sau nhiều năm làm việc tại công ty, ông Lộc được bổ nhiệm làm trưởng phòng tạo mẫu. Quá trình làm việc ông luôn được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ được giao, có tăng ca nhưng từ tháng 6/2016 đến năm 2021, phía người sử dụng lao động không trả tiền làm ngoài giờ.

Người đàn ông 6 năm liền "hì hục" tăng ca được... 2,8 triệu đồng  第1张

Ông Lộc kiện đòi tiền lương tăng ca trong 6 năm. (Ảnh minh họa: AI).

Do công ty không trả tiền nên ngày 21/1/2021, ông Lộc gửi đơn tới Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp có trụ sở kinh doanh để khiếu nại. Tháng 2/2022, quá trình hòa giải, công ty Sơn Phong đồng ý với yêu cầu tất toán tiền làm ngoài giờ trong 6 năm mà người lao động đưa ra là 358 triệu đồng.

Tuy nhiên sau đó, phía công ty Sơn Phong không thực hiện theo biên bản hòa giải. Cho rằng phía người sử dụng lao động không trả tiền tăng ca theo biên bản hòa giải là không đúng, ông Lộc khởi kiện ra tòa, yêu cầu người sử dụng lao động phải trả tiền tăng ca cho mình từ tháng 6/2016 đến hết năm 2021 với số tiền 358 triệu đồng.

Về phía doanh nghiệp, công ty Sơn Phong xác nhận ông Lộc làm việc tại đơn vị này từ năm 2005. Quá trình làm việc, người đàn ông này được tiến cử, đảm nhiệm chức vụ cao dần dựa trên kinh nghiệm, thâm niên làm việc. Từ năm 2021, mức lương của ông là 29 triệu đồng/tháng.

Đồng thời, bị đơn khẳng định quá trình làm việc công ty thanh toán đầy đủ lương, phúc lợi cho ông Lộc theo hợp đồng lao động và quy định pháp luật.

Về việc thực hiện theo biên bản hòa giải thành, phía công ty cho rằng các bên đã thống nhất, tự đối chiếu lại chứng từ làm thêm giờ và tự thương lượng giải quyết trước ngày 10/3/2022. Ngày 11/5/5/2022 ông Lộc chính thức nghỉ việc.

Về yêu cầu khởi kiện của ông Lộc, phía công ty cho rằng không có căn cứ. Người đại diện Sơn Phong viện dẫn, thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu trả tiền làm thêm ngoài giờ từ tháng 6/2016 đến tháng 4/2021 đã hết.

Cụ thể, theo quy định, thời hiệu yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng lợi ích của mình bị vi phạm. Công ty có nghĩa vụ trả lương cho ông Lộc không trễ hơn ngày 13 hàng tháng. Trong trường hợp không nhận đủ tiền lương, ông Lộc phải biết khoản thiếu hụt và khởi kiện trong thời hạn 1 năm tiếp đó. Tuy nhiên, ngày 18/5/2022, TAND huyện Trảng Bom mới nhận đơn nên các yêu cầu từ tháng 4/2021 trở về trước không còn thời hiệu.

Đối với các yêu cầu chi trả tiền làm thêm giờ từ tháng 5/2021 đến hết năm 2021, đối chiếu sổ sách không thể hiện ông Lộc làm tăng ca.

Không khiếu nại với công ty do sợ ảnh hưởng công việc

Tháng 8/2023, TAND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên đình chỉ phần yêu cầu trả tiền lương làm ngoài giờ cho giai đoạn từ tháng 6/2016 đến ngày 23/1/2021 của ông Lộc.

Bên cạnh đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu trả tiền làm thêm từ ngày 24/1/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền 33,2 triệu đồng.

Người đàn ông 6 năm liền "hì hục" tăng ca được... 2,8 triệu đồng  第2张

Ông Lộc được trả 2,8 triệu đồng cho 6 năm tăng ca. (Ảnh minh họa).

Không chấp nhận phán quyết trên ông Lộc kháng cáo theo hướng đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận đơn khởi kiện. Ngược lại, phía công ty kháng cáo đề nghị tòa bác đơn của người lao động.

Vừa qua, TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp lao động. Tại tòa, nguyên đơn và bị đơn giữ nguyên kháng cáo.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, diễn biến tại tòa, HĐXX cho rằng ông Lộc biết quyền lợi của mình bị xâm phạm nhưng đến ngày 23/3/2022 mới khởi kiện nên chỉ những tháng nào còn thời hiệu mới được xem xét, giải quyết.

"Khi nhận được phiếu lương hàng tháng, tôi có biết công ty không thanh toán tiền lương tăng ca cho tôi nhưng không thắc mắc, khiếu nại gì với công ty do sợ ảnh hưởng công việc", bản án phúc thẩm thể hiện lời thừa nhận của ông Lộc.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, HĐXX xác định từ tháng 4/2021 đến hết năm 2021, ông Lộc tăng ca 17 tiếng nên buộc công ty phải trả cho người đàn ông này số tiền 2,8 triệu đồng.

Từ những phân tích trên HĐXX, tuyên chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ông Lộc, tuyên buộc Công ty Sơn Phong phải trả cho nguyên đơn số tiền 2,8 triệu đồng.

* Tên các đương sự đã được thay đổi.