Nhiều bạn trẻ ở ghép, phòng trọ chật chội nên chấp nhận ra quán cà phê học tập, làm việc.
Câu chuyện sếp thu nhập trăm triệu tự nấu ăn sáng 10 K, uống cà phê gói tự pha khá đồng điệu với một khảo sát được công bố gần đây: Người lương càng thấp càng đi cà phê nhiều.
Theo đó, một nghiên cứu thị trường chỉ ra, nhóm đi cà phê nhiều nhất là nhóm thu nhập thấp (từ 5-10 triệu đồng/tháng) với tần suất 1-3 lần/tuần (~38%). Nhóm đi cà phê nhiều thứ nhì là nhóm có thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng, tần suất phổ biến tương tự như nhóm thu nhập thấp.
Một ly cà phê buổi sáng, một cuộc hẹn cà phê chiều, hay đơn giản chỉ là một góc quán quen để làm việc, cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
Có thể lý giải hiện tượng trên bằng nhiều yếu tố. Đầu tiên, cà phê đã vượt qua chức năng đơn thuần là một thức uống, quán cà phê đã trở thành một không gian thư giãn, giải trí và làm việc.
Ở đó, người ta có thể gặp gỡ bạn bè, đối tác, hoặc đơn giản là tìm một nơi để làm việc, học tập.
Tôi biết có nhiều bạn trẻ vì ở ký túc xá, phòng trọ quá chật hẹp, ở ghép... không đủ không gian nên phải đi đến quán cà phê nhiều lần trong tuần để học bài, làm việc.
Nhiều người cứ bảo đi cà phê tốn tiền. Nhưng so với các hình thức giải trí khác như đi xem phim, ăn nhà hàng, thì việc đến quán cà phê có chi phí thấp hơn nhiều. Nếu có thu nhập cao hơn, họ sẽ lựa chọn các loại hình giải trí khác, chứ đi cà phê nhiều làm gì?
Hiện tượng "người lương càng thấp, càng đi cà phê nhiều" là một kết quả thú vị về thói quen tiêu dùng của người trẻ hiện nay. Người khắt khe, sẽ nói lãng phí. Người có cái nhìn cởi mở hơn sẽ cảm thông.
*Bạn có đồng ý với những quan điểm trên?
Quang Dũng
Đăng thảo luận