Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên. Với nhiều lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên và lịch sử văn hóa truyền thống, những năm qua, tỉnh chú trọng đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng đa dạng về du lịch.

Tỉnh biên giới Kon Tum có diện tích tự nhiên gần 10.000km2, với vị trí thuận lợi, có đường biên giới quốc gia giáp với Lào và Campuchia với chiều dài hơn 292km, là cửa ngõ quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây để các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar hướng đến các cảng biển khu vực Duyên Hải Trung Bộ của Việt Nam thông qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và các tuyến Quốc lộ 14, 24, 40..., đây cũng là nơi có địa danh “Cột mốc Quốc giới Việt Nam - Lào - Campuchia” - biểu tượng cho tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa ba nước Đông Dương.

Bên cạnh đó, Kon Tum cũng là một trong số ít địa phương vẫn còn mang đầy đủ những nét đẹp nguyên sơ của núi rừng cao nguyên hùng vĩ và phong tục tập quán đặc sắc hiện hữu tại các buôn làng của đồng bào các dân tộc thiểu số nên dư địa cho việc phát triển du lịch tỉnh trong thời gian tới rất lớn.

Xác định được tiềm năng, thế mạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18/5/2022 về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, đã xác định quan điểm và mục tiêu chung là “Khai thác đa dạng tiềm năng, lợi thế về du lịch tỉnh, trọng tâm là du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch thể thao, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; Phát triển ngành du lịch của tỉnh thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có tính cạnh tranh ngày càng cao trong cả nước, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Kon Tum khai thác hiệu quả tiềm năng đa dạng về du lịch  第1张 Măng Đen được mệnh danh là Đà Lạt thứ 2 của Tây Nguyên

Triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TU, trong năm 2023 tỉnh Kon Tum đã tổ chức rất nhiều sự kiện đã tạo được điểm nhấn và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước như: Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023; Hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư tại huyện Kon Plông; Tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động liên quan đến dược liệu đặc hữu Sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với phát triển du lịch tỉnh Kon Tum;… Đồng thời, đã cử đoàn tham dự Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch lần thứ 13 Khu vực Tam giác phát triển CLV và tham dự nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch do các Bộ ngành Trung ương và các tỉnh bạn tổ chức.

Để hỗ trợ việc phát triển ngành du lịch, đến nay tỉnh đã trình cấp có thẩm quyền công nhận 13 điểm, làng du lịch cấp tỉnh (Điểm du lịch Làng Văn hóa - Du lịch Kon Pring; Làng du lịch cộng đồng Kon Klor, Vi Rơ Ngheo, Kon Trang Long Loi, điểm du lịch Thác Pasi, Nhà máy rượu vang sim…). Cùng với đó, đã có 200 sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng, lợi thế của tỉnh phù hợp làm quà biếu, quà tặng đạt từ 3 đến 5 sao; trong đó có 01 sản phẩm đạt 5 sao (sản phẩm quốc gia), 16 sản phẩm đạt 4 sao và 177 sản phẩm đạt 3 sao, 06 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, đánh giá và công nhận.

Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch ngày càng được cải thiện, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Tỉnh Kon Tum hiện có 166 cơ sở lưu trú với công suất khoảng  2.460 phòng. Số lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch là 1.833 người.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, lượng khách du lịch đến với Kon Tum ngày càng tăng qua các năm. Tổng lượng khách đến Kon Tum năm 2023 đạt 1,334 triệu lượt người (trong đó khách quốc tế đạt 3.816 lượt người); tổng doanh thu đạt khoảng 537 tỷ đồng; công suất phòng đạt 65%.

Để khai thác tốt hơn thế mạnh sẵn có, theo ông Đỗ Văn Minh Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định phát triển du lịch bền vững, hướng đến du lịch xanh, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao trách nhiệm và lòng tự hào quê hương của người dân. Qua đó, góp phần xây dựng Kon Tum thực sự là một điểm đến an toàn, thân thiện, hiếu khách, đặc sắc, hấp dẫn.