Đồng USD và Euro mạnh, phòng khách sạn, vé máy bay tăng cao, khiến khách Việt giảm đi du lịch châu Âu dịp hè này.
"Thị trường du lịch outbound (khách Việt đi nước ngoài) có xu hướng giảm mạnh so với 2 năm trước", Bùi Minh Nguyệt, Giám đốc You And Me Travel, công ty chuyên tour Âu - Mỹ, cho biết. Lượng khách đi châu Âu năm nay giảm so với năm ngoái dù đang có Euro tại Đức và sắp tới là Olympic tại Paris (từ 26/7 đến 11/8).
"Ế" tour đi châu Âu là nhận xét của ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel về du lịch outbound hiện nay tại Việt Nam. Theo ông Đạt, nhiều công ty du lịch đang than khó bán tour này hơn mọi năm khi nguồn cung quá lớn nhưng cầu lại thấp.
Du khách tập trung tại Đấu trường La Mã, Italy vào tháng 5. Ảnh: Đặng Hữu Hoàng
Năm 2022-2023, nhiều công ty du lịch tại Việt Nam thắng lớn tại thị trường châu Âu. "Năm ngoái, các tour đi châu Âu bùng nổ", ông Đạt nói và nhận định đây là hiệu ứng đi du lịch trở lại sau đại dịch của khách nhà giàu Việt Nam. Phần lớn khách Việt đổ xô đi châu Âu hai năm trước ngoài tham quan còn thăm thân và kết hợp kinh doanh. Khách Việt xin visa châu Âu tự túc từ Việt Nam hiện vẫn còn "khá khó", do đó, để đảm bảo đậu visa, khách sẽ mua tour để đi.
Tiếp đà năm ngoái, năm nay nhiều công ty du lịch bắt đầu lấn sân sang thị trường này, dẫn đến nguồn cung tăng khoảng 20%. Tuy nhiên, lượng khách năm nay lại giảm đến 30% tại nhiều công ty. "Lượng khách đã đi châu Âu hai năm trước năm nay họ không đi nữa", ông Đạt nói.
Nguyễn Phương Uyên, 35 tuổi sống tại TP HCM, thành viên trong nhóm đi tour châu Âu tự túc, cũng cho biết số lượng người hỏi để chuẩn bị cho các chuyến đi cũng không sôi động như năm ngoái. Cô cũng không còn thấy nhiều bạn bè khoe ảnh đi châu Âu như những năm trước.
Giá tour cao cũng là nguyên nhân khiến thị trường du lịch châu Âu ảm đạm trong năm nay, theo bà Nguyệt. Kinh tế suy thoái, lạm phát, tỷ giá hối đoái của đồng USD, euro, bảng Anh tăng đột biến cùng giá cả dịch vụ như máy bay, khách sạn cũng tăng 15-20% so với năm trước. Euro 2024 và Olympic thu hút lượng lớn khách ghé thăm dẫn đến quá tải dịch vụ tại điểm đến, đặt phòng và các dịch vụ đi kèm khó hơn. Yêu cầu xét duyệt visa của các nước cũng có nhiều thay đổi, tuy không lớn nhưng "ảnh hưởng phần nào đến thị trường du lịch châu Âu".
CEO Nguyễn Tiến Đạt cho biết nhiều công ty du lịch trước chuyên tour châu Âu năm nay đã chuyển sang bán thêm các thị trường khác hoặc bán tour ghép châu Âu với 3-4 đơn vị thay vì gom khách một mình như năm trước. Ông Đạt dự đoán từ giờ đến hết năm, tour châu Âu "khó để bùng nổ như năm ngoái".
Tuy nhiên, các tour châu Âu vẫn luôn là một trong những thị trường truyền thống của khách cao cấp Việt do các điểm đến có bề dày lịch sử, văn hóa độc đáo, ẩm thực nổi tiếng và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, chất lượng dịch vụ cao.
Hiện các tour truyền thống như Italy - Thụy Sĩ - Pháp - Luxembourg - Bỉ - Đức hành trình 9-10 ngày vẫn được khách Việt chuộng nhất, giá dao động từ 75 đến 90 triệu đồng. Bà Minh Nguyệt cho biết liên tuyến Đông - Tây Âu 15 ngày hay tour du thuyền châu Âu năm nay cũng đang dần được khách Việt ưa chuộng nhờ cách di chuyển hoặc điểm đến mới lạ.
Theo Đặng Hữu Hoàng, nhân viên tại Civitavecchia, cảng chính thức của Rome, năm nay lượng khách Việt cập cảng Italy bằng du thuyền "khá đông". Lượng khách Việt đến Italy cũng tăng 10-15% so với năm ngoái.
Ngoài tour châu Âu bán chậm năm nay, các tour châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia được đánh giá "vẫn bán tốt", đặc biệt bán chạy nhất là tour Trung Quốc nhờ giá thành rẻ.
Phương Anh
Đăng thảo luận