Nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang trải qua những ngày tháng vật vã vì đạo nhái lên ngôi. Từ giai điệu, ý tưởng, vũ đạo thậm chí là các ấn phẩm cũng không tránh khỏi số phận bị ‘học hỏi’ trắng trợn.
NewJeans là tâm điểm của những lùm xùm đạo nhái năm 2024 - Ảnh: Naver
Trong phiên kiểm toán gần đây của Ủy ban Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nghị sĩ Shin Dong Wook cho rằng sao chép đang trở thành vấn nạn ngăn cản sự phát triển của K-pop.
Ông Shin Dong Wook chứng minh lập luận thông qua việc so sánh vũ đạo có phần tương đồng của hai nhóm nhạc đang hot là ILLIT và NewJeans.
Nhìn vào thực tế, sự phát triển của âm nhạc K-pop năm 2024 đang chững lại do thiếu đi màu sắc riêng, hết “em gái” BlackPink đến bản sao của thần tượng ảo Plave ra đời.
Cả Lisa (BlackPink) hay NewJeans cũng vướng vào ồn ào “mượn” ý tưởng từ lời nhạc đến phân cảnh trong MV.
K-pop vay mượn từ trong ra ngoài?
Nghị sĩ Shin Dong Wook không phải người đầu tiên nêu lên những điểm tương đồng của hai nhóm nhạc nữ ILLIT và NewJeans.
Ngày 3-4-2024, cuộc đấu tố nội bộ bùng nổ giữa Tập đoàn HYBE và cựu CEO Min Hee Jin khi cô tung các bằng chứng cho thấy, HYBE đã tham khảo kế hoạch của NewJeans để tạo ra nhóm nhạc nữ gen 5 ILLIT.
Từ khi ra mắt, ILLIT nhận nhiều chỉ trích vì quá giống NewJeans - Ảnh: Naver
Tại phiên tòa diễn ra ngày 11-10, nữ CEO tiếp tục khẳng định: “Giám đốc sáng tạo của ILLIT đã yêu cầu bản kế hoạch của NewJeans ngay từ giai đoạn lập kế hoạch tạo ra ILLIT”.
Bất chấp nhiều bằng chứng được đưa ra, Belif Lab (công ty quản lý ILLIT) vẫn liên tục phủ nhận nghi ngờ đạo nhái, còn “ông lớn” HYBE thì phớt lờ sự việc.
Vào tháng 7-2024, ban nhạc Anh Shakatak gửi thư khiếu nại tới HYBE và hãng thu âm ADOR cáo buộc nhóm nhạc nữ NewJeans đã sử dụng trái phép sáng tác và các yếu tố âm nhạc từ ca khúc Easier said than done của Shakatak vào bài hát Bubble gum.
Phân cảnh bị tố đạo nhái trong MV Rockstar của Lisa - Ảnh: X
Cùng thời điểm, Lisa (BlackPink) cũng vướng vào ồn ào tương tự. Cụ thể, Gabriel Moses - đạo diễn MV FE!N của Travis Scott đã cáo buộc MV Rockstar của Lisa đạo một cảnh trong FE!N.
Plave và Mave: Thần tượng ảo K-pop bùng nổ thế giới thật
Phía đạo diễn MV FE!N đã bức xúc lên án mạnh mẽ trên mạng xã hội: "Họ đã liên hệ với biên tập viên của tôi nhằm xin phép lấy FE!N là tài liệu tham khảo. Dù đã từ chối nhưng phía Lisa vẫn làm".
Thậm chí, đến nhóm nhạc ảo Plave cũng trở thành đối tượng bị đạo nhái. Nhóm nhạc tân binh thần tượng ảo (virtual idol) AFOTS phải đưa ra lời xin lỗi và hủy các lịch trình vì ồn ào đạo nhái MV The 6th Summer của Plave.
Bảo vệ sự sáng tạo trong âm nhạc
Vấn đề đạo nhái không còn mới ở nền công nghiệp hàng đầu xứ sở kim chi, tuy nhiên đến nay nó mới được mang ra soi xét một cách nghiêm túc.
Trả lời những kiến nghị của ông Shin, Giám đốc Cục Bản quyền Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Jung Hyang Mi cho biết: "Có rất nhiều vấn đề khác nhau cần phải được xem xét, từ vấn đề nhận diện bản quyền vũ đạo cho đến vấn đề quản lý của các công ty".
“Chúng tôi sẽ hoàn thành nghiên cứu về các nguyên tắc chung trong bản quyền vũ đạo vào khoảng tháng 11. Dựa vào đó, chúng tôi sẽ đưa ra một quy định cụ thể trong năm nay để định hướng cho những người phụ trách biên đạo”.
Sẽ sớm có quy định về vũ đạo từ vấn đề trùng lặp của ILLIT và NewJeans - Ảnh: Naver
Đạo nhái ở K-pop ngang nhiên tồn tại vì không có quy định rõ ràng, vì lo ngại ảnh hưởng đến sự sáng tạo của những người làm nghệ thuật.
"Sẽ rất tuyệt nếu có một tiêu chuẩn và thước đo định lượng rõ ràng, nhưng chúng rất khó tìm trong âm nhạc.
Vì những cách tiếp cận như vậy có thể hạn chế sự sáng tạo nên việc tìm ra một thỏa thuận hoặc tiêu chuẩn pháp lý là một nhiệm vụ khó khăn” - nhà phê bình nhạc pop Hwang Sun Up nói với The Korea Herald.
Chủ tịch JYP Park Jin Young cũng vướng vào ồn ào đạo nhạc - Ảnh: Naver
Một nguyên nhân khác khiến đạo nhái bị phớt lờ ở K-pop do thủ tục kiện tụng kéo dài, nhưng không có phán quyết rõ ràng.
Năm 2015, lùm xùm đạo nhạc giữa chủ tịch JYP - Park Jin Young và nhà soạn nhạc Kim Shin Il đã kết thúc bằng một khuyến nghị hòa giải của tòa án, khiến công chúng vô cùng thất vọng với luật pháp Hàn Quốc.
Truyền thông Hàn Quốc nhận định, sự phát triển của K-pop đang chững lại do thiếu đi sự sáng tạo cùng với sự bùng nổ của đạo nhái.
Ngoài ra, sự vắng mặt của các tên tuổi lớn như BTS hay BlackPink cũng là một phần nguyên nhân.
Không thể phủ nhận việc phát triển trong âm nhạc của K-pop nói riêng và thế giới nói chung do có sự học hỏi và giao thoa với nhau. Tuy nhiên, sự học hỏi cần có giới hạn, tôn trọng công sức lao động của người khác.
Nhà phê bình nhạc pop Kang Il Kwon nhận định: "Không ai phủ nhận sự tồn tại của việc lấy mẫu tham khảo trong âm nhạc. Luôn có những người đi trước tạo ra xu hướng và những người sau chịu nhiều ảnh hưởng, vấn đề là không nên lạm dụng".
Đăng thảo luận