Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng GDP Việt Nam tăng 6,1% năm nay, cao hơn mức dự báo của tổ chức này hồi tháng 6.

Đánh giá sau đợt tham vấn định kỳ kết thúc vào cuối tháng 8, các chuyên gia của IMF nhận định năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5% bất chấp nhiều thách thức, nhờ các chính sách quyết liệt của Chính phủ. Những xáo động trong thị trường bất động sản, căng thẳng về tài chính và xuất khẩu giảm mạnh đã tác động tới nền kinh tế.

Từ cuối 2023, tăng trưởng bắt đầu phục hồi nhờ xuất khẩu và du lịch, cũng như chính sách tài khóa và tiền tệ được nới lỏng. Vì thế, IMF dự báo GDP năm nay tăng 6,1%, cao hơn so với mức gần 6% trong báo cáo của tổ chức này hồi tháng 6.

Trước đó, ngân hàng Singapore United Overseas Bank (UOB) hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay do bão Yagi, từ 6% xuống 5,9%. Trong khi đó, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng là 6%. Ngân hàng Thế giới (WB) kỳ vọng tốc độ này là 6,1%. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu GDP năm nay là 6,5-7%.

IMF nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam  第1张

Container hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần

Các chuyên gia cho rằng nhu cầu nội địa và bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi. Lạm phát dự kiến quanh 4-4,5% năm nay, chủ yếu do giá lương thực - thực phẩm tăng. Mức này tương đương mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, IMF nhận định các rủi ro với kinh tế Việt Nam vẫn cao. 8 tháng đầu năm nay Việt Nam thu về trên 265 tỷ USD từ xuất khẩu hàng hóa, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế - có thể đi xuống nếu tăng trưởng toàn cầu không như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị kéo dài hoặc tranh chấp thương mại tăng.

Cùng với đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp ì ạch cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng, làm suy giảm sự ổn định tài chính. Áp lực tỷ giá có thể kéo dài khi chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tháng trước, đồng Việt Nam từng mất giá gần 5% so với USD từ đầu năm 2024. Đến đầu tháng 8, tỷ lệ này giảm còn 3,85%.

IMF đánh giá Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh để ổn định vĩ mô khi quá trình phục hồi sau đại dịch gặp nhiều thách thức trong và ngoài nước. Tổ chức này cũng hoan ngênh việc Việt Nam sửa đổi Luật Các tổ chức Tín dụng, ban hành Quy hoạch điện VIII và kế hoạch xây dựng Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để đạt mục tiêu về khí hậu và thúc đẩy an ninh năng lượng. Song các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cải cách sâu rộng hơn nữa và đảm bảo tăng trưởng xanh, toàn diện trong trung hạn. Đầu tư công và mở rộng an sinh xã hội cũng cần được đẩy mạnh. Khuôn khổ tài khóa, quy trình lập và tăng thu ngân sách trong trung hạn cần củng cố để hỗ trợ kế hoạch phát triển.

Thời gian tới, IMF cho rằng cơ quan chức năng nên tiếp tục thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ và tăng sức chống chịu của hệ thống tài chính. Họ cũng nhấn mạnh nhu cầu cải thiện bộ công cụ để ngăn ngừa và quản lý các khủng hoảng ngân hàng.

Hà Thu