25 đại học công bố học phí ngành Y khoa từ 27,6 đến 200 triệu đồng cho năm học tới, hầu hết có học bổng cho sinh viên xuất sắc hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, trường Y Dược (Đại học Đà Nẵng) và Đại học Tây Nguyên có mức thu thấp nhất - 27,6 triệu đồng cho năm học 2024-2025.

Mức này bằng với trần học phí do Chính phủ quy định với khối ngành Y Dược ở các trường đại học công lập chưa tự chủ.

Các trường Y khác thu học phí ngành Y khoa từ 31 triệu một năm, do đã tự chủ một phần (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...) hoặc tự chủ hoàn toàn, chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng.

Trong đó, cao nhất là trường Đại học Y Dược TP HCM với 82,2 triệu đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Đại học Y Hà Nội hay Y khoa Phạm Ngọc Thạch thu 55,2 triệu, giữ nguyên.

Ở nhóm tư thục, trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thu thấp nhất với hơn 66 triệu đồng; Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) cao nhất, 210 triệu.

Các mức trên áp dụng với tân sinh viên tuyển mới. Sinh viên các khóa trước sẽ theo quy định của trường khi nhập học.

Học phí ngành Y khoa năm học 2024-2025 của 24 trường như sau:

TT Trường Học phí năm học 2024-2025 (đơn vị: triệu đồng) 1 Đại học Y Hà Nội 55,2 2 Đại học Y Dược TP HCM 82,2 3 Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội 55 4 Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam 27,6 5 Đại học Y Dược Hải Phòng 45 6 Đại học Y Dược Thái Bình 41,3 7 Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương 38,64 8 Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng 27,6 9 Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng 31,1 10 Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch 55,2 11 Khoa Y, Đại học Quốc gia TP HCM 60 12 Đại học Y Dược Cần Thơ 49,15 13 Đại học Y khoa Vinh (Nghệ An) 31 14 Đại học Tây Nguyên (Đăk Lăk) 27,6 15 Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) 60 16 Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội 66,28 17 Đại học Phenikaa (Hà Nội) 90 18 Đại học Đại Nam (Hà Nội) 96 19 Đại học Nguyễn Tất Thành (TP HCM) 152 20 Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) 210 21 Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) 61,5 22 Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) 80 23 Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) 94,4 24 Đại học Văn Lang (TP HCM) 160-200 (chưa tính kỳ hè) 25 Đại học Y Dược, Đại học Huế 48,9

Về học bổng, hầu hết trường có nhiều loại như: học bổng cho tân sinh viên, dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hay có thành tích học tập xuất sắc.

Các loại học bổng dành cho tân sinh viên nhiều hơn ở nhóm trường tư thục với mức hỗ trợ lớn nhằm thu hút thí sinh. Đại học Phenikaa (Hà Nội) chỉ thu năm đầu là 90 triệu đồng, giảm tới 40% so với mức chính thức (khoảng 150 triệu). Trường cho biết mức chiết khấu cho những năm học sau sẽ thấp hơn.

Trong quá trình học, ở tất cả trường, sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện tốt (thường trong nhóm 10% cao nhất) sẽ nhận học bổng khuyến khích học tập, với mức từ 25 đến 100% học phí.

Sinh viên diện chính sách, có hoàn cảnh khó khăn hoặc học tập tốt có thể nhận tài trợ từ doanh nghiệp hay quỹ trường. Như Đại học Y Hà Nội có 5 loại học bổng từ cựu sinh viên, mạnh thường quân với giá trị từ 4 đến 20 triệu đồng một lượt. Ngoài ra, các trường cũng hỗ trợ sinh viên vay tiền từ ngân hàng để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt.

Học phí ngành Y khoa từ 27,6 đến 200 triệu đồng một năm  第1张

Sinh viên khối ngành sức khoẻ của Đại học Văn Lang. Ảnh: Website nhà trường

Theo Nghị định 81 năm 2021 về học phí công lập, trần học phí nhóm ngành Y, Dược ở các trường chưa tự chủ là 24,5-35 triệu đồng một năm. Các trường đã tự chủ được thu học phí bằng 2-2,5 lần mức trên. Với chương trình đạt kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc của các tổ chức nước ngoài, trường được tự quyết học phí.

Tuy nhiên, trước tác động của Covid-19, Chính phủ yêu cầu không tăng học phí ba năm liên tiếp. Từ năm ngoái, các đại học mới bắt đầu áp dụng học phí mới.