Hà NộiChủ tịch nước Tô Lâm đặc xá cho 3.763 phạm nhân đủ điều kiện, nhân dịp Quốc khánh 2/9 và ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.

Sáng 30/9, quyết định đặc xá của Chủ tịch nước được công bố, có hiệu lực từ 1/10. Ngoài các phạm nhân trên, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đặc xá cho hai người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Theo thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Công an, trong 3.763 phạm nhân được đặc xá có 403 người phạm các tội về trật tự kinh tế, tham nhũng, chức vụ; 64 phạm nhân về tội giết người, 205 người về ma túy, 91 người tội hiếp dâm, 156 người cướp giật tài sản.

"Cựu chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng (trong vụ án chuyến bay giải cứu) không có tên trong danh sách được đặc xá đợt này", ông Lâm nói.

Hơn 3.700 phạm nhân được đặc xá  第1张

Thứ trưởng Công an Nguyễn Ngọc Lâm tại họp báo. Ảnh: Phạm Dự

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết có 20 phạm nhân là người nước ngoài được đặc xá đợt này, gồm: 9 người Trung Quốc, 3 người Lào, hai người Campuchia, hai người Mỹ và các nước khác.

Đây là những người đã phạm một trong các tội Giết người, Buôn lậu, Tổ chức đánh bạc, Tổ chức cho người ở lại Việt Nam trái phép. Bộ Ngoại giao sẽ gửi công hàm đến các cơ quan ngoại giao của quốc gia liên quan để phối hợp tiếp nhận và triển khai các điều kiện, thủ tục về người được đặc xá.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, cho biết đặc xá thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung và chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước với người phạm tội đã "thực sự cải tạo tốt". Qua các đợt đặc xá là cơ hội để mỗi phạm nhân suy xét lại lỗi lầm và "kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi", phấn đấu thành công dân có ích.

Đặc xá năm nay, theo ông Hà, không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào, cho dù là người Việt Nam hay nước ngoài. Phạm nhân có đủ điều kiện sẽ được xét đặc xá. Tuy nhiên, các hình phạt bổ sung khác như cấm đảm nhận chức vụ, quản chế, phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác thì phạm nhân được đặc xá vẫn phải chấp hành đầy đủ theo quy định.

Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam có 9 đợt đặc xá, tha tù cho hơn 92.000 phạm nhân cải tạo, lao động, học tập tốt. Lần gần nhất là Quốc khánh 2/9/2022, Chủ tịch nước đã đặc xá cho 2.434 người.

Hơn 3.700 phạm nhân được đặc xá  第2张

Ông Phạm Thanh Hà phát biểu tại họp báo sáng nay. Ảnh: Phạm Dự

Trước đó, ngày 30/7, Chủ tịch nước Tô Lâm ký quyết định về đặc xá cho người bị kết án có thời hạn, tù chung thân nhân được giảm xuống tù có thời hạn, đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, vào dịp 79 năm ngày Quốc khánh (2/9) và 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10). Thời gian chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến 30/9.

7 điều kiện được đề nghị đặc xá gồm: ý thức cải tạo tốt, được xếp từ loại khá trở lên, chấp hành án tù ít nhất 1/2 thời gian hoặc 15 năm tù... Ai được giảm thời gian chấp hành án phạt tù thì thời gian đó không được tính là đã chấp hành.

Phạm nhân còn phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là tiền và đã nộp án phí. Tuy nhiên, người bồi thường, khắc phục... được một phần nhưng do hoàn cảnh kinh tế đặc biệt không thể tiếp tục cũng được xem xét. Riêng tội phạm tham nhũng cần thực hiện xong hết các nghĩa vụ này.

Hơn 3.700 phạm nhân được đặc xá  第3张

Thư viện dành cho phạm nhân trong Trại giam số 5, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Ngọc Thành

Người lập công, mắc bệnh hiểm nghèo, đau ốm thường xuyên, khuyết tật, từ đủ 70 tuổi trở lên, là lao động duy nhất trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nữ phạm nhân có thai hoặc có con dưới 3 tuổi đang ở cùng... sẽ được xem xét đặc xá nếu chấp hành ít nhất 1/3 hoặc 2/5 thời gian án tù hay 13 năm với tù nhân chung thân được giảm xuống án tù có thời hạn.

Những phạm nhân bị kết tội phản bội tổ quốc, gián điệp, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phá rối an ninh, bạo loạn, khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân... không được đặc xá.

Phạm Dự