Hàng loạt nhà tập thể có mức độ nguy hiểm giữa trung tâm Đà Nẵng
(Dân trí) - Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, quận Hải Châu có 9 nhà tập thể thuộc mức độ nguy hiểm cấp B, C, tuy chưa thuộc trường hợp phải phá dỡ, nhưng cần phải kịp thời được sửa chữa để tiếp tục sử dụng.
Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã thông báo kết quả kiểm định chất lượng của 9 chung cư và nhà ở tập thể cũ trên địa bàn quận Hải Châu.
Trong đó, 5 nhà ở tập thể được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp C, gồm: nhà số 24 Lê Đình Thám; nhà số K33/21 và K33B/12 Cao Thắng; nhà số 109 Thanh Thủy và nhà số 103 Nguyễn Tất Thành.
Một căn phòng thuê với giá 1,7 triệu đồng/tháng tại nhà tập thể K33/31 Cao Thắng, được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp B (Ảnh: Hoài Sơn).
Mức độ nguy hiểm cấp B được ghi nhận tại nhà số K33/31 và K33/10 Cao Thắng (phường Thanh Bình).
Đối với nhà tập thể số K81 Hải Phòng (phường Thạch Thang), phần nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tầng 2 được đánh giá nguy hiểm ở mức độ cấp C.
Nhà tập thể Mành Trúc cũ, số K371/6 Trưng Nữ Vương (phường Hòa Thuận Đông), theo đánh giá, tầng 2 có thể tiếp tục sử dụng thêm 2-3 năm.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí tại nhà tập thể số K33/21 Cao Thắng cho thấy, nhà này có thời hạn sử dụng còn 3-5 năm. Một cư dân cho biết, khi trời mưa lớn, một số phòng có dấu hiệu thấm nước.
Tại nhà tập thể K33/31 Cao Thắng, nhà được đánh giá cấp B, thời hạn sử dụng còn 5-7 năm. Theo ghi nhận, trần nhà tại đây đã xuất hiện nhiều vết bong tróc, lộ cả sắt, dù ban ngày nhưng lối đi vào tối om.
Tại nhà tập thể K33/31 Cao Thắng, các cư dân phơi áo quần ngay lối lên xuống (Ảnh: Hoài Sơn).
Tại nhà ở tập thể số 109 Thanh Thủy, tình trạng xuống cấp nghiêm trọng với nhiều mảng tường rơi vỡ, lộ phần sắt gỉ sét bên trong rất nguy hiểm, hành lang ẩm mốc do thấm dột. Một số căn nhà, dùng tay có thể dễ dàng bóc được một mảng tường lớn. Khu tập thể này được đánh giá có thời hạn sử dụng còn 2-3 năm.
Bà Nguyễn Thị Hết (75 tuổi) cho hay, căn hộ tại khu nhà tập thể này được gia đình bà mua từ năm 2002, rộng khoảng 25m2 với giá khoảng 9 triệu đồng (đã trừ tiền hỗ trợ). Qua 22 năm sử dụng, căn hộ của bà đang xuống cấp từng ngày khiến bà và gia đình rất lo lắng.
"Trụ nứt, tường bong tróc có thể rơi xuống đất bất cứ lúc nào khiến tôi rất lo cho mẹ. Tôi mong muốn thành phố có thể nghiên cứu sửa chữa, hoặc lên kế hoạch giải tỏa để xây mới lại nhà", anh Huỳnh Minh Hoàng (46 tuổi, con rể bà Hết) kiến nghị.
Một số tường tại nhà tập thể số 109 Thanh Thủy có thể dễ dàng dùng tay bóc được một mảng lớn (Ảnh: Hoài Sơn).
Theo Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, dù chưa thuộc trường hợp phải phá dỡ, nhưng để đảm bảo an toàn, các nhà chung cư, tập thể ở mức độ nguy hiểm cấp B, C cần được kịp thời sửa chữa, gia cường các cấu kiện nguy hiểm và những hư hỏng cục bộ trước khi sử dụng tiếp.
Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đề nghị, việc sửa chữa, gia cường phải được thiết kế và thi công bởi các đơn vị có đủ năng lực theo quy định.
Trong năm 2022, UBND thành phố Đà Nẵng đã di dời, giải tỏa 17 khu tập thể xuống cấp thuộc sở hữu nhà nước trong năm 2022-2023. Trong đó có khu nhà tập thể được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D như: số 5 Nguyễn Thái Học và số 50-52 Lê Lai (quận Hải Châu).
Đăng thảo luận