Lào CaiChống lụt ở Phú Thọ được gần một ngày, hơn 300 bộ đội Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 lại nhận lệnh hành quân lên Làng Nủ, bắt đầu cuộc cứu hộ kéo dài hai tuần.
Chiều 10/9, khi bức thư tay viết trên giấy vở học sinh được cán bộ băng rừng, cấp tốc mang từ huyện Bảo Yên về TP Lào Cai báo tin cứu nạn khẩn cấp Làng Nủ, Quân khu 2 đã điều động Sư đoàn 316 (Đoàn Bông Lau) từ Phú Thọ lên thẳng Lào Cai.
Trung tá Dương Văn Hoàng, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 98, nhớ trưa hôm ấy đơn vị đang ở Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ giúp dân gia cố đê điều, sơ tán đồ đạc. Huyện ven sông Thao ngập sâu hơn một mét. Xong việc, anh chờ lệnh nhận quân tiếp tục giúp dân chống lụt ở Đoan Hùng.
Nhưng tối đó, chỉ huy Trung đoàn được lệnh 3h hôm sau nhận quân từ Hạ Hòa, tập kết rồi đi thẳng lên Làng Nủ. Đoạn cao tốc ngập sâu, xe chở bộ đội phải vòng sang Cẩm Khê tìm đường, đi thêm gần 40 km. Chưa đầy 24 tiếng, đơn vị hành quân cứu hộ ở hai tỉnh thành cách nhau gần 200 km.
Chiến sĩ Sư đoàn 316 dầm bùn tìm nạn nhân Làng Nủ. Ảnh: Ngọc Thành
Lực lượng chia quân theo hai hướng tạo thành một vòng cung, gặp nhau ở Làng Nủ. 200 cán bộ, chiến sĩ được xe cơ giới chở vào thẳng hiện trường tìm người. Đường đứt đoạn vì sạt lở, bộ đội đeo balo gần 20 kg, xách dép rọ trèo qua nhiều đoạn bùn nhão ngập quá đầu gối.
Hơn trăm người còn lại hành quân bộ từ đường 70 - đoạn gần suối Làng Nủ đổ ra sông Chảy, tìm vào. Con suối được hợp thành từ trăm khe trên núi Voi - nơi khởi nguồn trận lũ quét, xuyên qua bản làng rồi đổ ra sông trên quãng đường gần 15 km. Dự đoán nước lũ có thể cuốn trôi các thi thể ra sông, mũi của trung tá Hoàng nhận lệnh tìm ngược con suối về tận làng. Không ngoài dự đoán, bộ đội cùng lực lượng địa phương tìm được ba nạn nhân.
Ngôi làng dưới chân núi Voi tan hoang, chỉ còn bùn lầy với tiếng khóc. 20 năm quân ngũ, lần đầu trung tá Hoàng thấy mất mát nhiều đến thế, dù từng tham gia cứu hộ vụ nổ nhà máy pháo hoa Z121 đến cháy rừng, lụt lội ở Yên Bái. Hiện trường sạt lở kéo dài 1,3 km, rộng 24 hecta, 1,5 triệu m3 vật chất tạo thành dòng sông bùn quánh đặc. Địa phương khi ấy thông báo khoảng 70 người mất tích.
Ăn vội bánh mì, sữa hộp, chiến sĩ mặc áo phao, xắn quần đến đầu gối, nhận xẻng, thuốn đợi lệnh chỉ huy. Bộ đội hai năm quân ngũ "dạn dĩ, biết việc", theo lời trung tá Hoàng. "Đoàn Bông Lau" - Sư đoàn 316 đã vang danh từ thời chiến, quân số thời bình phần lớn là con em đồng bào nên nhiệm vụ này với họ "như trở về nhà giúp đỡ người thân".
Dọc những dải bùn không lường được nông sâu, hơn 650 người từ bộ đội, công an, dân quân tự vệ với gậy, thuốn chọc xuống lớp bùn quánh nhão tìm người mất tích. Ruộng vườn, nhà cửa, mùi xác động vật, thậm chí thi thể phân hủy dưới nắng nóng bốc lên. Áo xanh quân đội chiếm hơn một nửa, chia thành từng nhóm tìm dọc suối Làng Nủ ra tận cửa sông Chảy, tập trung vùng nước trũng, nơi cây cối, xác động vật mắc lại. Những đôi găng tay cao su rách bươm qua vài lượt trở lật đồ, mảng tôn, kính vỡ cứa đứt chân tay.
Có chiều muộn đi về, vừa cởi ủng dốc nước bùn ra, anh Hoàng nhận được điện thoại địa phương báo phát hiện thi thể gần cửa sông, lại cắt cử chiến sĩ ra đưa về. Đêm tối, đường trơn, bộ đội ngã dúi dụi, quân phục đẫm bùn đất. Tổ khiêng cáng luôn được chỉ huy cho về trước một lúc để tẩy trùng, tắm giặt. Da tay chiến sĩ bên trong lớp cao su trắng bợt, rửa qua vài lần nước không hết mùi tanh. Lính trẻ vục chân, tay vào chậu nước chè ấm pha loãng để tránh bị ăn chân, khử mùi bùn.
Có hôm thầy cúng tới, để đáp ứng mong mỏi của bà con, bộ đội đào sâu gần ba mét tới tận đất nền, nhưng không thấy gì. "Buồn nhất là nhìn thấy rõ sự thất vọng, nước mắt của bà con. Phần anh em không tiếc công, miễn là tìm được người", trung tá Hoàng nói.
Chiến sĩ Sư đoàn 316 chăm sóc chú chó ở Làng Nủ khi chủ nhà gặp nạn, chỉ còn con gái đang điều trị ở Lào Cai. Ảnh: Hoàng Dương
Những người lính Sư đoàn nhớ nhất khuôn mặt Hoàng Văn Thới - người đàn ông mất mẹ, vợ cùng ba đứa con. Thới len lỏi giữa bóng áo xanh, vục bùn tìm con trai út một tuổi mất tích. Bộ đội không cản, chỉ khuyên "bác một thân một mình cứ về nghỉ ngơi, bọn em tìm thấy cháu sẽ báo tin". Nhưng Thới không chịu, ngày nào cũng tham gia. Tới ngày thứ mười hai sau trận lũ quét, Thới cũng tìm được con.
Có những gia đình chỉ một người thoát nạn đang nằm viện. Chú chó không còn nhà, mỗi ngày đều theo chân bộ đội ra suối, hết giờ lại về cùng, đêm ngủ dưới chân nhà sàn. Mấy chiến sĩ trẻ thay nhau chăm bẵm, cho ăn hàng ngày.
Hai đêm đầu tiên ở Làng Nủ, hậu cần đơn vị luộc lại giò, bánh chưng, chia thành nhiều túi giao đồng đội đi từng nhà gửi cho dân. Người Làng Nủ thật bụng, có chủ hộ xua tay không nhận, bảo nhà không bị sạt và nhường phần cho gia đình khác. Nhưng lãnh đạo Sư đoàn 316 đã bàn bạc kỹ với địa phương, lên danh sách từng hộ, đếm đủ số người chia phần để không ai bị đói.
Mưa liên tiếp, dọa sạt, nước suối dâng khiến lực lượng cứu hộ phải rút khỏi làng sau 17h, chia nhau ăn nghỉ ở trụ sở UBND, trường học. Tới ngày thứ ba, đường vào làng sạt khiến xe cơ giới khó di chuyển. Cứu hộ phải tranh thủ từng phút, lãnh đạo Sư đoàn quyết định đưa quân vào Làng Nủ, chia ra ở nhờ nhà dân, vừa tiện ăn ở, đi lại, kịp hỗ trợ bà con nếu có tình huống bất ngờ. Người Làng Nủ không ai chối từ, vài gia đình dọn bớt đồ, nối thêm ống nước để bộ đội tắm giặt.
Cả ngày dầm mưa phơi nắng, vục bùn, lính trẻ đặt lưng xuống nhà sàn là ngủ. Đơn vị bố trí vọng quan sát có ba người trực gồm chỉ huy, phụ trách máy thông tin cùng một chiến sĩ. Những đôi mắt chăm chú nhìn hướng núi Voi, sẵn sàng đánh kẻng báo động khi có biến. Hai ca gác kéo dài từ 20h đêm trước tới 4h30 hôm sau, mỗi ca bốn tiếng. 4h30, chiến sĩ lục tục kéo nhau dậy vệ sinh cá nhân, ăn sáng, sẵn sàng đi làm nhiệm vụ.
Bữa cơm trưa dưới nhà sàn người dân Làng Nủ của bộ đội Sư đoàn 316 để buổi chiều tiếp tục tìm người. Ảnh: Ngọc Thành
Những bếp ăn dã chiến được đặt trên khoảnh đất rộng, anh nuôi không dám phiền nhà dân vì nấu trăm suất cơm mỗi ngày. Nhiều đoàn từ thiện vào làng thấy bộ đội dầm bùn, muốn tặng thực phẩm, thậm chí tiền mặt với thiện ý "góp bữa ăn cho anh em lấy sức giúp đồng bào". Nhưng Sư đoàn từ chối, chỉ xin nhận tấm lòng, nói Nhà nước, quân đội đã cấp phát đủ, xin nhường phần cứu trợ cho bà con.
Có ngày, trung tá Hoàng thấy mâm cơm thêm rau xanh, măng rừng. Chiến sĩ nuôi quân gãi đầu, phân trần rằng người dân xách đến, hậu cần không dám nhận nhưng bà con vẫn dúi vào tay.
Trong hai tuần, lực lượng cứu hộ tìm thêm được 40 nạn nhân mất tích, riêng Sư đoàn 316 tìm được 22 người. Những ngày cuối ở Làng Nủ, đơn vị cắt một phần quân số sang xã bên giúp người dân dọn dẹp, dựng lại nhà sau bão. Trưa 24/9, Quân khu 2 cùng bộ đội biên phòng, chó nghiệp vụ rút quân khỏi Làng Nủ. Việc tìm kiếm 11 người mất tích còn lại do địa phương đảm trách.
Ngày tiễn quân về xuôi, người dân đứng chật hai bên đường từ Nhà văn hóa tới tận đầu làng. Bà con đùm xôi, gói bánh dúi vào tay từng chiến sĩ. Anh Thới đứng ven đường khóc lớn, ôm chặt từng người lính đi qua. Người về quệt nước mắt chào, dặn anh "gắng lên, giữ sức khỏe". Trước khi rời làng, bộ đội xếp hàng, hướng mắt về suối bùn, phía những nếp nhà sàn còn sót lại, giơ tay chào điều lệnh mặc niệm đồng bào xấu số rồi mới lên xe.
Làng Nủ tiễn lực lượng cứu hộ sau nhiều ngày tìm kiếm người mất tích sau lũ quétNgười dân Làng Nủ tiễn bộ đội rời làng. Video: Báo Lào Cai
"Cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 316 đã làm hết sức, đáng tiếc vẫn còn bà con nằm lại chưa thể về với gia đình", thượng tá Nguyễn Trí Thanh, Phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 316, chia sẻ. Ông bất ngờ khi thấy bà con đứng kín đường, khóc tiễn đưa chân. Hôm ấy, nhiều chỉ huy Sư đoàn mắt đã đỏ hoe.
Trong phòng truyền thống của Sư đoàn 316 - một trong những đơn vị bộ binh chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam giờ có thêm lá cờ - món quà mang về từ Làng Nủ. Lá cờ lồng trong khung kính, đặt giữa huân chương quân công và danh hiệu "đơn vị vững mạnh toàn diện". Lá cờ ấy từng được treo trước Nhà văn hóa trong những ngày Làng Nủ còn yên bình.
Ba ngày sau khi trở về từ Làng Nủ, trung tá Dương Văn Hoàng mới về thăm nhà dù cách 50 km, sau khi hoàn thành kế hoạch kiểm tra, ứng trực. Ôm hai đứa con, anh nhận rõ "cuộc sống những lúc bình bình là đáng quý nhất".
Hoàng Phương
Đăng thảo luận