Phụ huynh phó mặc việc dạy con hết cho nhà trường, khi xảy ra chuyện là gọi điện trách móc.
"Năm ngoái, tôi làm giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 12. Tôi thật sự sốc khi các em lập nhóm kín Facebook, Zalo, lăng mạ nhau, dùng từ ngữ thô tục, để có em phải cầu cứu tôi.
Các em kéo bè kéo phái để các nhóm khẩu chiến, suýt đánh nhau. Tôi không thể tin được vì đó toàn những học sinh mình nghĩ khá hiền, khá ngoan.
Hiện giờ tôi đang dạy là lớp 10, sĩ số 47 học sinh. Có lớp lên đến 53 học sinh, khối 12 có lớp 57 học sinh. Ai làm chủ nhiệm những lớp này là đã thấy áp lực rồi.
Các em rất khó giáo dục vì nhiều lý do như gia đình, bạn bè, môi trường sống. Riêng việc dùng điện thoại: Nhắc nhiều, báo cha mẹ nhiều nhưng trong lớp các em vẫn lén xem, rồi cũng chỉ phạt qua loa, hạ hạnh kiểm, báo phụ huynh chứ không thể làm gì hơn.
Rồi việc đi xe phân khối lớn: Cha mẹ không cho thì lấy đâu các em đi, nhà trường đâu có quyền cấm các em đi. Rồi việc học tập, cũng chỉ nhắc nhở các em, báo cha mẹ, chứ giáo viên đâu thể xử lý gì được?
Một tiết dạy 45 phút, riêng việc dạy và tổ chức các em học tập, ôn tập cũng thiếu thời gian. Giáo viên chủ nhiệm với sĩ số 47 học sinh, cũng chỉ giải quyết được phần nào mà thôi.
Gia đình cha mẹ, trung bình hai con mà còn chưa quản lý nổi con mình, một giáo viên chủ nhiệm đôi khi chỉ có vài tiết trên trường, cũng chỉ nắm được một phần học sinh mà thôi. Giáo viên bộ môn lo dạy thôi cũng đủ mệt.
Phụ huynh bây giờ nhiều người phó mặc cho trường, nuông chiều con. Hễ có chuyện gì là gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm. Một số còn đe dọa, la mắng... tôi nản vô cùng.
Ai là người cũng hỗ trợ để nhà trường và giáo viên giảng dạy các em? Chính là gia đình và xã hội, nền tảng gia đình tốt thì việc giáo dục mới dễ. Trong khi đó, xã hội bây giờ nơi vui chơi lành mạnh thì ít, nhưng quán nhậu, quán nét, quán cà phê, trà sữa, ăn vặt, bida... mọc nhan nhản, kể cả sát bên trường học.
Phụ huynh là mắt xích quan trọng nhất trong việc giáo dục và giám sát con cái. Phụ huynh phải là người đầu tiên tâm sự, chia sẻ, phân tích..để các con hiểu được tầm quan trọng của việc kiềm chế cảm xúc, tránh xung đột, tránh tranh cãi. Bây giờ học sinh rất hay lập nhóm kín Zalo, Facebook... để giải quyết mâu thuẫn.
Nếu không có sự phát hiện kịp thời thì rất là nguy hại. Nó ảnh hưởng đến tâm lí, tình cảm, cảm xúc, tinh thần và ảnh hưởng xấu đến việc học hành một thời gian rất dài.
Vì vậy, đừng phó mặc cho nhà trường, vì các em rất kín đáo, thầy cô biết đã là muộn màng rồi".
Độc giả Phạm Nghĩa chia sẻ như trên, sau bài viết Khi giáo dục 'làm dâu trăm họ'. Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Đăng thảo luận