Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, trong đó xây dựng công thức C= SET+1.

Ngày 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây được coi là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn - ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong đó, chiến lược đề cập công thức C= SET+1. C là Chip, xoay quanh các trụ cột gồm S (Specialized) - phát triển chip chuyên dụng, E (Electronics) - công nghiệp điện tử và T (Talent) - Nhân tài, nhân lực. Yếu tố "+1" thể hiện mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài để tạo vị thế cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Theo cơ quan soạn thảo, thế giới đang cơ cấu ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đa dạng hóa nguồn cung với mô hình "X+1". Các nước đã có công nghiệp bán dẫn đều muốn có thêm một cơ sở nữa ở nước khác để bảo đảm an toàn.

"Việt Nam là một trong ít nước +1 này và có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ở tất cả công đoạn", chiến lược nêu. "Với mô hình này, Việt Nam sẽ trở thành lựa chọn +1, cung cấp sự an toàn cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu", bên cạnh ưu đãi về thuế, hạ tầng nhân lực, đất đai, điện nước, giao thông, viễn thông.

Công thức phát triển ngành bán dẫn Việt Nam  第1张

Một số mẫu chip bán dẫn cho kỹ sư Việt tham gia phát triển. Ảnh: Lưu Quý

Từ nay đến 2050, Việt Nam sẽ triển khai công thức trên và thực hiện lộ trình ba giai đoạn, trong đó mỗi giai đoạn, doanh thu năm được kỳ vọng tăng gấp đôi.

Giai đoạn 1 (2024-2030) sẽ thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, một nhà máy chế tạo chip quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đặt mục tiêu trên 25 tỷ USD mỗi năm, nhân lực ngành đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Giai đoạn 2 (2030-2040) phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, hai nhà máy chế tạo chip, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng.

Giai đoạn 3 (2040-2050) hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, ba nhà máy chế tạo chip, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.

Để thực hiện chiến lược, Chính phủ đề ra bốn nhiệm vụ chính gồm: Phát triển chip chuyên dụng; Phát triển công nghiệp điện tử; Phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn; và Thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn. Ngoài ra, một số nhiệm vụ cũng được đưa ra gồm thành lập ban chỉ đạo quốc gia, tổ chuyên gia tư vấn về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đang phát triển theo hướng chuyên môn hóa cao, tập trung tại một số ít quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ nhưng không nước nào có khả năng tự chủ hoàn toàn. Những năm gần đây, các quốc gia có sự cạnh tranh gay gắt, dẫn đến việc phải điều chỉnh chiến lược theo hướng nâng cao năng lực trong nước và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam được đánh giá có lợi thế địa chính trị và nhân lực, như nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm 70% sản lượng bán dẫn toàn cầu, có trữ lượng đất hiếm 20 triệu tấn, tỷ lệ dân số trẻ.

Lưu Quý