Cách UAV đang thay đổi chiến sự Nga - Ukraine

(Dân trí) - Ukraine công bố một vũ khí tầm xa mới kết hợp giữa công nghệ máy bay không người lái (UAV) và tên lửa có thể sẽ tăng cường năng lực của Ukraine chống các cuộc tấn công quân sự của Nga.

Cách UAV đang thay đổi chiến sự Nga - Ukraine  第1张

UAV đóng vai trò quan trọng trong xung đột Nga - Ukraine (Ảnh minh họa: AFP).

Ukraine cho biết UAV lai tên lửa Palianytsia sẽ có tầm hoạt động 700km và có thể tấn công vào 250 mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga. Sự ra đời của loại vũ khí này có thể đánh dấu giai đoạn mới trong cuộc chiến trên không giữa Nga và Ukraine.

Cho tới nay, Ukraine vẫn bị đồng minh hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga. Trong khi đó, UAV tên lửa mới không phải do các đồng minh của Ukraine cung cấp, nên họ sẽ không phải tuân thủ những hạn chế. Vì vậy, Kiev tin rằng công nghệ trên là cần thiết để giúp họ ngăn quân đội Nga tiến xa hơn trên chiến trường.

Công nghệ UAV đã có vai trò  lớn trong suốt cuộc chiến. Tác động của loại vũ khí này được minh chứng rõ ràng qua khả năng sử dụng UAV để gây tổn thất lớn cho Ukraine trong những ngày gần đây. Điều này khiến Ukraine phải tìm kiếm cách tiếp cận mới.

Vào ngày 26/8, Nga đã phóng 109 máy bay không người lái Shahed do Iran chế tạo cùng với 127 tên lửa nhằm vô hiệu hóa lưới điện của Ukraine. Ít nhất 15 khu vực của Ukraine đã bị tấn công và tình trạng mất điện và mất nước xảy ra trên khắp Ukraine.

Vụ tập kích UAV này của Nga đã khiến ít nhất 5 người đã thiệt mạng và 30 người bị thương. Một ngày sau, Moscow tiếp tục phát động một đợt tấn công khác bằng UAV, cũng nhắm vào các mục tiêu dân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Cả Nga và Ukraine đều sử dụng UAV tấn công một chiều (OWA). Hầu hết các UAV được trang bị vũ khí sẽ thả một hoặc nhiều quả bom và quay trở lại căn cứ để sử dụng tiếp, còn UAV tấn công một chiều, hay UAV cảm tử, sẽ bay đến mục tiêu và tự phát nổ. Các mẫu máy bay tầm xa thường được Nga và Ukraine sử dụng có hình dạng giống một máy bay nhỏ có sải cánh dưới 10m.

Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã sử dụng UAV tầm xa để nhắm vào các căn cứ không quân, khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga.

Vào ngày 22/8, UAV của Ukraine đã tấn công một căn cứ không quân của Nga ở Volgograd, gây ra một đám cháy lớn và kéo theo các vụ nổ đạn dược lưu trữ tại đây.  

Nga được cho là cũng đang nỗ lực ứng phó với các cuộc tấn công này bằng cách lắp đặt thêm hệ thống phòng không xung quanh nơi ở riêng của Tổng thống Vladimir Putin và dựng lưới xung quanh các nhà máy lọc dầu với hy vọng có thể bắt được UAV của Ukraine.

Vì sao UAV cảm tử quan trọng?

UAV đã được các quân đội sử dụng nhiều trong nhiều thập niên, nhưng UAV cảm tử là mối đe dọa hiện hữu và ngày càng gia tăng. Loại UAV này có thể sử dụng hệ thống dẫn đường giá rẻ để tấn công mục tiêu cách xa hàng trăm km với độ chính xác tương đối.

So với tên lửa truyền thống, UAV cảm tử có đầu đạn nhỏ hơn và thường bay chậm hơn, nhưng chúng lại có cấu tạo đơn giản và chi phí sản xuất hàng loạt rẻ hơn. Điều này có nghĩa là một số quốc gia và các nhóm vũ trang có thể sử dụng một loại vũ khí có tầm bắn và độ chính xác cao thay vì phải vật lộn để xây dựng và duy trì một kho tên lửa như trước đây. 

Cả Ukraine và Nga đều bắt đầu sử dụng UAV cảm tử vào mùa hè năm 2022. Cuộc tấn công lớn đầu tiên bằng UAV của Nga diễn ra vào tháng 10/2022, còn Ukraine đã sớm sử dụng loại vũ khí này vài tháng trước đó.

Vào tháng 6 năm 2022, UAV cảm tử được cho là chế tạo từ UAV thương mại đã tấn công một nhà máy lọc dầu của Nga ở Rostov và gây ra thiệt hại đáng kể.

Tạo lợi thế

Cách UAV đang thay đổi chiến sự Nga - Ukraine  第2张

Một vụ tấn công UAV gây thiệt hại nặng nề ở Kiev, Ukraine (Ảnh: Xinhua).

Cho đến cuối năm 2023, Nga sử dụng UAV nhiều hơn đáng kể so với Ukraine. Lợi thế của Nga là họ có thể nhập khẩu UAV Shahed từ Iran sau đó sản xuất chúng theo giấy phép tại các nhà máy trong nước.

Vào năm 2023, Nga đã phóng hàng nghìn UAV vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, bao gồm cả các trạm biến áp năng lượng và hầm chứa ngũ cốc. Các UAV cùng với tên lửa của Nga đã khiến Kiev phải yêu cầu hỗ trợ phòng không từ các đồng minh.

Tuy nhiên Ukraine cũng tìm ra cách sử dụng cảm biến âm thanh bắn hạ các máy bay này để tiết kiệm đạn dược. Các công ty Ukraine đang phát triển UAV cảm tử của riêng họ để phản công.

Ukraine phải dựa vào UAV tự chế tạo hoặc mua từ các nhà thầu tư nhân để tránh những hạn chế vũ khí của các đồng minh. Những vũ khí này thường được sử dụng để tấn công vào các cơ sở quốc phòng và dầu mỏ của Nga. Vào cuối năm 2023, Ukraine bắt đầu một chiến dịch UAV đầy tham vọng nhằm tấn công các cơ sở dầu mỏ, các căn cứ chứa máy bay và đạn dược của Nga, thậm chí Ukraine còn nhắm tới các nhà máy sản xuất UAV của nước này.

UAV cảm tử dễ chế tạo và có thể sản xuất nhanh chóng hơn so với tên lửa. Chúng đang bắt đầu được sử dụng rộng rãi.

Anh đã phải đối phó với UAV cảm tử 2 lần vào năm 2024. Lần thứ nhất là khi bảo vệ tàu thuyền khỏi các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ, lần thứ hai là khi hỗ trợ Israel ngăn chặn cuộc tấn công của Iran vào tháng 4.

Trên khắp Trung Đông, các cơ sở quân sự có nhân viên người Mỹ cũng bị các nhóm chiến binh  tấn công bằng UAV cảm tử.

Ngay cả các lực lượng quân sự tiên tiến như Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự Nga và Ukraine, như phải bắn hạ một số lượng lớn UAV mà vẫn phải duy trì hệ thống tên lửa phòng không.

Đối với lực lượng vũ trang trên toàn thế giới, sự tiến bộ của UAV cảm tử và các công nghệ UAV khác sẽ làm tăng chi phí phòng không. Các lực lượng sẽ cần đầu tư vào nhiều loại hệ thống chống UAV hơn, trong khi vẫn phải duy trì các hệ thống phòng không đã có để đánh bại các mối đe dọa truyền thống.

Hệ thống phòng thủ chống lại UAV có thể không hữu ích để đánh chặn tên lửa. Do đó, cần có hệ thống phòng thủ trên không nhiều lớp để đảm bảo đánh bại mọi mối đe dọa trước khi chúng đánh trúng mục tiêu.

Ví dụ, Anh đang trong quá trình xem xét lại hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của mình sau khi chứng kiến cách thức Nga và Ukraine sử dụng UAV và các vũ khí khác.

UAV và công nghệ UAV đã thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi các quy tắc xung đột không chỉ ở Ukraine mà còn trên toàn cầu. Điều này khiến các lực lượng vũ trang trên toàn thế giới đang phải vật lộn để theo kịp.

Video: Dương Đăng

Theo Conversation