“Hiểu để chữa lành” là cuốn sách chỉ điểm tầm quan trọng của sự hổ thẹn trong việc hình thành từ nhân phẩm đến lương tâm của mỗi người.
Cuốn sách hiểu để chữa lành (do NXB Trẻ phát hành) là đứa con tinh thần của “cha đẻ của phong trào self-help” - John Bradshaw với lý thuyết tâm lý học xoay quanh trạng thái hổ thẹn - cảm xúc cho phép con người là chính mình.
Đồng tình với nhà tâm lý học Gershen Kaufman, tác giả xem hổ thẹn là nguồn gốc nhiều vấn đề nội tâm phức tạp: trầm cảm, cô lập, nghi hoặc bản thân, cô đơn xa lánh thế giới, hoang tưởng và phân liệt, rối loạn cưỡng chế, phân hóa bản thân, chủ nghĩa hoàn hảo, tự ti sâu sắc, cảm thấy yếu kém hoặc thất bại, rối loạn nhân cách và ái kỷ.
Tuy nhiên, sách không phải "bản án" vạch trần tội lỗi của sự hổ thẹn, trái lại, còn là một cảm xúc lành mạnh. Hổ thẹn chỉ trở thành "con quỷ" khi ta để nó chiếm tâm trí và chuyển thành căn tính. Trong kinh thánh, hổ thẹn được xem như cốt lõi và hậu quả từ sự sa ngã của Adam.
Cuốn sách "Hiểu để chữa lành" của tác giả John Bradshaw. Ảnh: NXB TrẻCuốn sách chia làm hai phần: nửa đầu John Bradshaw phô bày các khía cạnh của nỗi hổ thẹn ẩn sâu, nửa sau hướng dẫn cách chuyển hóa hổ thẹn độc hại thành lành mạnh để đạt trạng thái cân bằng trong tâm trí.
Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy hổ thẹn hiện hữu trong mọi lĩnh vực (ngôn ngữ, di truyền, tâm linh, giáo dục…) và ở các cột mốc cuộc đời (6 tháng tuổi, dậy thì, thanh niên, tuổi già…). Ở mỗi giai đoạn, hổ thẹn phát triển, bộc lộ, chuyển hóa và lụi tàn khác nhau.
John Bradshaw chỉ ra gia đình, học đường, văn hóa và tôn giáo là nguyên nhân nuôi dưỡng hổ thẹn độc hại. Hổ thẹn như “công thức gia truyền” chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác; cha mẹ chính là hình mẫu tương lai của con cái. Hệ thống học đường với áp lực thành tích và những con điểm “xấu” vô tình tô đậm thêm sự hổ thẹn ở trẻ.
Hổ thẹn còn ẩn trong các hình thức gây nghiện như: ăn uống, thịnh nộ, buồn bã, sợ hãi, phấn khích, công chính tôn giáo, niềm vui, chi tiết… làm trầm trọng thêm hành vi và có thể dẫn đến phạm tội.
Ngược lại, hổ thẹn lành mạnh giúp nhận ra rằng con người có giới hạn và cần được giúp đỡ. Những người sống với nỗi hổ thẹn cần các mối liên kết mang lại an toàn, điều mà họ thiếu. Họ cần tìm người hoặc nhóm đáng tin để thoát khỏi sự cô đơn.
Trích dẫn trong cuốn sách “Hiểu để chữa lành”.Với John Bradshaw, yêu thương chính mình là lựa chọn khả thi, ngay cả khi cảm thấy tiêu cực. Tập chấp nhận bản thân vô điều kiện, dành thời gian và quan tâm đến chính mình, thậm chí cho phép bản thân sai lầm trong khuôn khổ… Yêu và được yêu là nhu cầu cơ bản của mỗi người, là lộ trình trị liệu hiệu quả cho đứa trẻ bên trong.
Đạt được tình yêu trong bất kỳ mối quan hệ nào là cả một quá trình, với lúc thăng lúc trầm, đồng cảm hay xung đột. Tác giả tin vào câu nói của Saint Exupéry: “Không có niềm hy vọng hay vui sướng nào không đến từ mối quan hệ con người”.
Khép lại 500 trang sách, những độc giả bị vây kín trong hổ thẹn độc hại, sẽ tìm được cách giải thoát bản thân khỏi kẻ thù này. Hiểu để chữa lành là cuốn sách không bác bỏ cảm xúc tiêu cực của hổ thẹn mà hướng tới phương pháp lý tưởng để khía cạnh lành mạnh, biến nó thành vị thuốc có khả năng phục hồi hiệu quả.
Mời bạn đọc bình chọn tác phẩm cho Giải thưởng Sách Quốc giaHội Xuất bản Việt Nam trân trọng đề nghị bạn đọc cả nước tham gia đề cử sách cho hạng mục Giải bạn đọc yêu thích thuộc Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7.
Đăng thảo luận